Ông chủ SSI không muốn 5 năm nữa, “trên bàn thờ tổ tiên không còn cái kẹo, cái bánh nào của Việt Nam“

Hai thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bibica (mã CK: BBC) đang rao bán 2,66% cổ phần tại Công ty. Hành động này được kỳ vọng sẽ kéo hai cổ đông lớn của Công ty “ngồi lại với nhau”.
Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nếu Kinh Đô không bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez, thì chúng tôi cũng không có ý định đầu tư lớn vào Bibica" Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nếu Kinh Đô không bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez, thì chúng tôi cũng không có ý định đầu tư lớn vào Bibica"

Bán cổ phần vì lý do gì?

Ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Bibica vừa đăng ký bán 0,72% cổ phần tại Bibica. Vị lãnh đạo gần 30 năm gắn bó với Bibica cho biết, vì lý do tài chính cá nhân nên muốn chuyển nhượng số cổ phần trên.

Nhưng, giới đầu tư lại không hẳn tin vào lý do này, nhất là khi ông Chiến từng thổ lộ việc bán cổ phần là cách hiệu quả nhất để hai cổ đông lớn của Công ty “ngồi lại với nhau”.

Cùng với ông Chiến, ông Võ Ngọc Thành cũng đăng ký bán. Tổng cộng, 2,66% lượng cổ phần đang lưu hành của Bibica được rao bán trong thời gian từ 23/5 đến 11/6/2017.

Phải nói cho rõ, từ năm 2013 đến nay, nội bộ của Bibica không ít lần lục đục khi hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food) và Lotte không chịu thỏa hiệp trong các kế hoạch của Bibica. Lý do là không bên nào có tiếng nói quan trọng hơn do sở hữu số cổ phần tương đương nhau. Nếu một trong 2 cổ đông lớn muốn nâng được tỷ lệ sở hữu vượt lên, thì lần chào bán cổ phần này là cơ hội đó.

Đang có tin rò rỉ, người mua có thể là PAN Group. Nếu  đúng, tỷ lệ sở hữu của PAN Food trong Bibica sẽ lên mức 46,39%, cao hơn Lotte (44,03%). Khi đó, mong muốn mà ông Chiến từng thổ lộ là trong công ty, một chủ là tốt nhất, có thể đạt được.

Tham gia vào Bibica từ năm 2007, với mức sở hữu 38% cổ phần, đến nay, Lotte đã nắm giữ 44,03% và là cổ đông lớn nhất tại Công ty này. Lotte là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo có tên tuổi, vì vậy Bibica được hỗ trợ về hệ thống nghiên cứu và phát triển cũng như “theo chân” Lotte để đưa thương hiệu Bibica đến 5 quốc gia trong tổng số 16 thị trường mà các sản phẩm bánh kẹo của Lotte có mặt.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vốn đã sở hữu 9% Bibica từ giữa năm 2009, lại thông qua PAN Food (Công ty con của PAN Group do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT) đã nâng mức sở hữu này lên 43,73%. Thừa hưởng lợi thế tài chính từ SSI và 2 mảng nông nghiệp và thực phẩm mà PAN đang đẩy mạnh phát triển, PAN đã hỗ trợ Bibica khá nhiều.

Lotte hiện có hai đại diện trong HĐQT của Bibica, phía PAN chỉ có một là ông Nguyễn Khắc Khải.

Trước ngày diễn ra đại hội cổ đông năm 2017 của Bibica, việc biểu quyết bầu bổ sung thành viên HĐQT đã có trong lịch trình, nhưng việc này đã không diễn ra. HĐQT Bibica giữ nguyên như năm 2016. Sau ngày 11/6, khi 2 thành viên HĐQT bán số cổ phần đúng như dự kiến, có thể sẽ có nhân tố làm thay đổi đối trọng giữa hai cổ đông lớn hiện nay.

Ông Nguyễn Duy Hưng được chờ đợi là nhân tố này. Thông tin này có lý do. Ông Hưng đã từng trả lời muốn mua thêm cổ phần của Bibica cũng khó, do lượng cổ phiếu trên thị trường không còn nhiều khi được hỏi có muốn tăng tỷ lệ sở hữu để cầm trịch hay không.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề một hội nghị tại TP.HCM, ông Hưng cũng nhắc lại ý này.

“Khi nhắc đến tôi hoặc SSI, mọi người có thể nghĩ khoản đầu tư vào Bibica là dưới dạng đầu tư tài chính, thay vì đầu tư chiến lược. Nếu Kinh Đô không bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez, thì chúng tôi cũng không có ý định đầu tư lớn vào Bibica. Chúng tôi không muốn 5 năm nữa, trên bàn thờ tổ tiên không còn cái kẹo, cái bánh nào của Việt Nam”, ông Hưng nói.

Muốn trở thành hàng đầu Việt Nam vào năm 2021

Ông Chiến cùng quan điểm với ông Hưng về mục tiêu phát triển của Bibica. Ông Chiến nói, cổ phần lần này sẽ chỉ được chuyển nhượng cho ai vì lợi ích Bibica trước, đó là sự tăng trưởng đến từ các yếu tố như thương hiệu, sản phẩm..., sau đó mới tới lợi ích cá nhân.

“Sau khi bán, nếu các cổ đông lớn đánh giá tôi còn khả năng, giữ tôi ở lại, tôi sẽ làm. Tôi sẽ không tách ra làm riêng ở tuổi này để cạnh tranh với những gì mình đã tạo dựng”, Tổng giám đốc Bibica chia sẻ.

Điều này thực sự quan trọng khi Bibica đang triển khai các sản phẩm chiến lược.

Thứ nhất là bánh Pie phủ socola. Lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam thường nghĩ đến ChocoPie của Tập đoàn Orion, đơn vị có doanh thu khoảng 174,5 triệu USD năm 2016 tại Việt Nam hay Lotte Pie của Lotte. Tháng 4/2017 vừa rồi, Bibica đã ra mắt bánh Mini Pie Orienko với mục đích Việt Nam hóa sản phẩm này và cũng để cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Ông chủ SSI không muốn 5 năm nữa, “trên bàn thờ tổ tiên không còn cái kẹo, cái bánh nào của Việt Nam“ ảnh 1

Bibica đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2016. 

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Bibica cho biết, đây là một trong những loại bánh chiến lược của Công ty. Công ty đặt mục tiêu, lấy lại 20% thị phần từ đối thủ ở dòng bánh này ngay trong năm nay.

Bibica từng tung ra dòng bánh phủ socola này, nhưng thuộc phân khúc cao cấp và không đạt kỳ vọng. Do đó, lần này, Orienko được định vị là sản phẩm tầm trung, giá 30.000 đồng/hộp 264g.

“Chúng tôi có công nghệ cao để bảo quản bánh, không dùng chất bảo quản. Trên thị trường không có loại nào mà 20% bánh là lớp phủ socola như Orienko. Chất lượng bánh không thua kém hàng ngoại,  giá lại rẻ hơn 30-40%. Tôi tin là trong ngắn hạn sẽ giành lại được thị phần và dài hạn sẽ thay thế được hàng ngoại”, ông Thiện cho biết thêm.

Với công suất 20 tấn/ngày, loại bánh này sẽ mang lại doanh thu trên 200 tỷ đồng, chiếm 13-14% tổng doanh thu các ngành hàng trong Công ty năm nay. Hiện, Bibica đang chiếm 30% thị phần ngành kẹo và 25% thị phần ngành bánh.

Hiện Công ty đang tận dụng một số đặc sản để sản xuất kẹo, như cà phê, dừa... hoặc loại sản phẩm có “hơi hướng” thực phẩm chức năng như thông cổ, ấm bụng..., nghĩa là sẽ phát triển dựa trên những lợi thế về nông sản nội địa. Các loại kẹo thuộc phân khúc tầm cao cũng được sản xuất trong tháng 6 này, đón mục tiêu tăng trưởng khoảng 50%/năm.

Tổng giám đốc Bibica còn cho biết, Công ty xác định sẽ phát triển bằng hai chân với chân trụ là thị trường trong nước. Bằng chứng, các sản phẩm của Bibica đã xuất khẩu đến 15 quốc gia và chỉ đóng góp khoảng 7% vào tổng doanh thu hợp nhất. Dự báo, thị trường bánh kẹo có tốc độ tăng trưởng 8,5-9%/năm sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn, vì đến năm 2018, “biên giới mềm” – các loại thuế nhập khẩu - trong ASEAN bị xóa dần.

Nếu xét về trình độ công nghệ thì hầu như các công ty cùng ngành trong ASEAN đều tương đương nhau (ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc). Điều này buộc mỗi nhà sản xuất phải chú trọng vào chất lượng thì mới có thể gia tăng thị phần.

Việc Bibica kiên trì mục tiêu đến năm 2021 trở thành công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam với mức tăng trưởng doanh số đến năm 2021 đạt 2.618 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 20%/năm, thực sự là thách thức với HĐQT và ban điều hành.

Trước mắt, Bibica đã công bố sẽ mở rộng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Bibica Miền Đông và Công ty TNHH Bibica Miền Bắc.

Cụ thể, năm nay, Bibica dự chi khoảng 217 tỷ đồng cho các khoản đầu tư (năm 2016 chỉ 18,2 tỷ đồng), như Dự án kẹo mềm cao cấp tại Nhà máy Biên Hòa (khoảng 64 tỷ đồng); Dây chuyền bánh quy tại Nhà máy miền Đông (126,4 tỷ đồng); nâng cấp Dây chuyền bánh mì Nhà máy Hà Nội (7,2 tỷ đồng); nâng cấp Dây chuyền bánh quy – cookies (gần 6 tỷ đồng); cải tạo nâng cấp hệ thống phòng cháy - chữa cháy của Nhà máy Biên Hòa (gần 3 tỷ đồng); nâng cấp phần mềm ứng dụng và phân hệ báo cáo thông minh (2,1 tỷ đồng)...

Được biết, tiền gửi của Công ty đủ cho các kế hoạch đầu tư đến năm 2020. Nhưng, phải nhắc lại, năm 2016, 2 dự án đầu tư mới của Bibica đều triển khai chậm tiến độ.

Theo ông Chiến, Công ty thấy có thể tiết kiệm 30 tỷ đồng nếu tận dụng các lợi thế sẵn có tại nhà máy miền Đông. Cụ thể, nhà máy miền Đông rộng khoảng 4 ha, Bibica mới sử dụng hết 3 ha, nên Công ty sẽ lắp thêm dây chuyền để tránh lãng phí đất, tận dụng các điều kiện như nhân sự, M&E (lò hơi, điện, xử lý nước thải, gió nén...). Trong kế hoạch, có thể lắp thêm 1 dây chuyền sản xuất bánh phủ socola thay vì phải lội ra nhà máy tại Hưng Yên.

Bibica cũng đang phát triển kênh bán hàng online, đặt mục tiêu phát triển hệ thống phân phối tại TP.HCM và Hà Nội, đưa 2 thành phố này góp 30% tổng doanh số của Công ty. Hiện nay, Công ty đã có trên 200 sản phẩm, có mặt tại 500 siêu thị lớn nhỏ với 120 nhà phân phối độc quyền, 115.000 điểm bán lẻ trên cả nước.

Với hàng loạt kế hoạch cụ thể này, việc các cổ đông lớn ngồi được với nhau thực sự là điều mà Bibica cần hơn cả.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục