Chủ tịch HĐQT Asanzo vừa tham gia chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" phát sóng trên VTV1. Câu chuyện về sự "trỗi dậy" của thương hiệu Việt như một kỳ tích; từ "tay trắng" trở thành ông chủ tập đoàn điện tử có doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng chỉ sau 4 năm một lần nữa được đề cập.
Bằng phong cách trò chuyện gần gũi, bình dân và thẳng thắn quen thuộc, doanh nhân Phạm Văn Tam cho rằng không có thành công nào là tự nhiên nếu không đi cùng sự kiên gan, bền bỉ, lăn lộn và thấu hiểu mọi ngóc ngách thương trường.
"Bí quyết tạo ra biểu đồ tăng trưởng ấn tượng của Asanzo được gói gọn trong hai chữ kinh nghiệm", vị chủ tịch sinh năm 1980 nói. Cụ thể hơn, theo ông, đó là 4 chữ hiểu gồm: thị trường, sản phẩm, khách hàng và bản thân.
Để minh chứng, nhà lãnh đạo này cho hay, cuối năm 2017, Asanzo lọt vào Top 4 thị trường tivi Việt Nam với thị phần 16%, bám đuổi LG (17%), Sony (25%) và Samsung (35%). Khi đó, không ít câu hỏi đặt ra là tại sao một công ty Việt có thể chen chân vào thị trường tưởng như đã bão hòa và gần như đóng đinh cho các hãng lớn của thế giới.
"Điều này có thể đúng với các gia đình thành thị nhưng khi có dịp đi khắp các miền quê tôi mới thấy rằng tivi vẫn là một tài sản lớn của người dân". Ông Tam chia sẻ: "Tôi không cần ăn miếng bánh to, tôi chỉ cần ăn nhiều miếng bánh nhỏ. Chính vì sự sâu sát thị trường nông thôn đã giúp chúng tôi giành được từng 'miếng bánh nhỏ' cho riêng mình suốt dọc đất nước".
Nói về am hiểu thị trường, ông chủ Asazo xác định đi vào thị trường ngách dù nhỏ, tạo "khuôn đúc" cho từng vùng miền, khu vực; từng nhu cầu để đa dạng kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc và giá thành sản phẩm.
Theo đó, chiến lược của công ty là tạo ra từng sản phẩm chuyên biệt cho từng khu vực và đối tượng khách hàng. Đó có thể là dòng tivi chạy bình ắc quy với màu chủ đạo là đỏ và vàng cho bà con khu vực miền Tây; tivi có đặc tính chống oxy hóa dành riêng cho miền Trung xứ biển.
"Asanzo ra đời là để lấp lại chỗ trống của những doanh nghiệp khác không làm. Họ chỉ sản xuất tivi từ 32 inch trở lên thì tôi làm từ 25 inch trở xuống. Có thể những khách sạn 4-5 sao cần thương hiệu, họ sẽ dùng các sản phẩm tivi của các hãng nước ngoài. Nhưng các khách sạn từ 2-3 sao trở xuống họ sẽ dùng sản phẩm của tôi vì giá thành hợp lý. Trong khi chính sách hậu mãi giống nhau và chế độ bảo hành không có gì khác biệt", ông Tam lý giải về tiêu chí thấu hiểu sản phẩm.
Ngoài số lượng hàng triệu tivi được tiêu thụ trên thị trường chỉ sau 4 năm, thương hiệu tivi Việt này cũng được nhắc đến nhiều như một điển hình trong việc phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng. Việc đa dạng hóa sản phẩm cũng xuất phát từ cơ sở này khi tập đoàn có đến 70 dòng sản phẩm phục vụ cho tất cả các nhu cầu về điện tử, điện lạnh và điện thoại.
Ông Tam cũng thừa nhận điện thoại là cuộc chơi khá tốn tiền khác, song ông vẫn tự tin vào lối đi của riêng mình bởi triết lý của ông là "theo nhịp thị trường" và lấy khách hàng làm trung tâm.
"Khi ra mắt điện thoại mục đích của tôi không phải cạnh tranh với các hãng điện thoại. Kể cả có thêm dòng điện thoại thì các dòng sản phẩm khác của công ty càng bán tốt hơn vì người tiêu dùng thêm tin tưởng. Những người mua điện thoại hay các sản phẩm khác của Asanzo đều nằm trong tệp khách hàng của chúng tôi, không phải tìm kiếm thêm", ông Tam cho hay.
Nhìn bên ngoài thì có vẻ doanh nghiệp này đang chen chân vào một thị trường cạnh tranh khốc liệt cả về điện tử, điện lạnh, điện thoại. Song ông chủ hãng cho biết có cách để bước chân vào những ngách thênh thang của riêng mình bởi gần 2 triệu người dân Việt Nam đã lựa chọn thương hiệu.
Một trong số bí quyết thành công mà doanh nhân Tam chia sẻ là theo sát nhu cầu khách hàng. Việc mạnh tay lược bỏ những chi tiết không cần thiết của sản phẩm nằm trong phương châm của công ty là tập trung vào giá trị thực. Ông chủ tịch của Asanzo cho hay, việc này tiết giảm 30% chi phí nhân công, tiết kiệm gần 35% giá thành sản phẩm.
Hoặc để phục vụ các tín đồ bóng đá, Asanzo đã tích hợp ứng dụng FPT Play cho phép người xem truy cập hơn 150 kênh truyền hình trong nước và quốc tế để theo dõi giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2017-2018 cho dòng tivi X8 và X9. Hay với những người có thói quen hát Karaoke, ông cài đặt thêm phần mềm Karaoke Offline với 12.000 bài hát cho một số mẫu.
"Doanh nghiệp Việt không cần chạy đua về tính năng sản phẩm với thương hiệu nước ngoài. Chúng ta có một giá trị cạnh tranh mà không một doanh nghiệp nước ngoài nào có được chính là sự thấu hiểu người Việt", ông Tam cũng khẳng định.
'Đừng chạy theo xu thế, hãy chạy theo khách hàng'
Tại chương trình, ông chủ của Asanzo cũng đề cập đến các bí quyết để các đại lý gắn bó với doanh nghiệp, đó là thấu hiểu khách hàng, đại lý. Theo đó, doanh nhân Tam giữ chân các đại lý bằng chữ tín và mối thân thiết cá nhân nhiều năm. Ngoài ra, Asanzo còn có tiếng chăm sóc đại lý chu đáo. Gần đây, Kooda - thương hiệu tivi phân khúc cận cao cấp đầu tư bởi Asanzo đã tổ chức 20 hội nghị bán hàng chỉ trong 2 tháng, chi hơn 2.000 lượng vàng để làm các phần thưởng, khuyến mãi.
Theo vị lãnh đạo trẻ tuổi, dám làm, dám thử mới có kinh nghiệm. Đây là điều có tiền cũng không thể mua được. Muốn thành công, người kinh doanh phải thực sự hiểu về lĩnh vực đang làm, hiểu hết từng khách hàng và trước hết phải thấu hiểu chính mình. "Đừng chạy theo xu thế, hãy chạy theo khách hàng", doanh nhân Tam chia sẻ trong chương trình "Quốc gia khởi nghiệp"..
"Doanh nghiệp Việt Nam muốn trỗi dậy không nên tự làm mình đuối sức khi chạy theo bóng của những ông lớn mà hãy đặt sự thấu hiểu làm trọng tâm cho chiến lược phát triển của công ty", ông nói tiếp.
Asanzo là một trong những thương hiệu điện tử Việt được cộng đồng startup đánh giá có hành trình "lội ngược dòng" để ngang hàng với các thương hiệu nước ngoài chỉ trong 4 năm. Ông chủ hãng - Phạm Văn Tam không ngần ngại thừa nhận việc bỏ học, lăn lộn trong cuộc sống để mưu sinh và sau đó lao vào khởi nghiệp, xây dựng thành công "đế chế điện tử Việt".
Các dòng sản phẩm của doanh nghiệp hướng đến khách hàng có thu nhập trung bình. Năm 2017, Asanzo có doanh thu trên 4.000 tỷ đồng khi tiêu thụ 710.000 chiếc tivi, gấp 1,5 lần so với 2016 và khoảng 3 triệu sản phẩm gia dụng.
Hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất tại TP HCM, Long An và Hải Dương. Năm 2018, doanh nghiệp cho biết sẽ đầu tư 20 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại huyện Củ Chi (TP HCM), diện tích khoảng 17.000 m2 nhằm phục vụ thị trường miền Trung và miền Nam.