Năm 2015 là một năm tồi tệ của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm bị khởi tố điều tra: tài khoản tập đoàn bị phong tỏa, Ocean Bank – đơn vị liên kết của OGC bị NHNN mua lại 0 đồng, dẫn đến toàn bộ giá trị đầu tư của OGC tại Ocean Bank bị mất hoàn toàn.
Những khó khăn của OGC cũng được nhìn thấy rõ qua thái độ của các cổ đông lớn. Trong lần triệu tập ĐHCĐ bất thường 2015 đầu tiên, chỉ có 94 cổ đông tham dự, đại diện cho 13,21% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong lần triệu tập thứ 2, chỉ có 90 cổ đông tham dự, đại diện cho 3,77% cổ phần có quyền biểu quyết và đến lần thứ 3, có 81 cổ đông tham dự, đại diện 8,2% cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, đã không có cổ đông lớn nào quan tâm đến các cuộc họp của OGC, dù đó là cuộc họp xin ý kiến cổ đông thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán và nếu không được thông qua, OGC lại chậm công bố thông tin và hệ quả có thể là OGC bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tại ĐHCĐ của OGC, một cổ đông đứng lên hỏi về món nợ của ông Hà Trọng Nam, phải trích lập 600 tỷ đồng, tại sao không yêu cầu ông Hà Trọng Nam bán Kem Tràng Tiền để trả nợ cho Công ty? Các khoản trích lập rất nhiều vậy trong quý IV có khả năng hoàn nhập khoản nào không?
Cũng liên quan đến ông Hà Trọng Nam, một cổ đông khác cho rằng, Công ty cổ phần Tràng Tiền và Kem Tràng Tiền là hai pháp nhân khác nhau, mảnh đất 35 Tràng Tiền là thuộc CTCP Tràng Tiền, OGC có sở hữu mảnh đất 35 Tràng Tiền hay không hay chỉ kinh doanh trên thương hiệu Kem Tràng Triền thôi? Vì nếu tiếp tục chuyển nhượng thì năm sau không làm gì có thể vượt kế hoạch?
Về vấn đề ông Hà Trọng Nam, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT OGC cho biết, các vụ việc liên quan đến ông Hà Trọng Nam liên quan đến OCH nên ông từ chối trả lời.
Ông Thụ cho rằng, nếu OCH chuyển nhượng dự án thì phải báo cáo với OGC. Còn đề xuất của cổ đông về sử dụng các resort, do OGC không quản lý trực tiếp, nhưng ông sẽ nghiên cứu về đề xuất này.
Cổ đông lớn nhất của OGC tính đến thời điểm này vẫn là Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, công ty riêng của ông Hà Văn Thắm. Trước đây, DN này nắm giữ tới 44,4% cổ phần của OGC, sau khi bị bán giải chấp vào đầu năm, hiện Hà Bảo đang nắm giữ 84,78 triệu cổ phiếu, tương đương 28,26% cổ phần của OGC.
ĐHCĐ bất thường của OGC diễn ra sau khi Công ty báo lãi 1.510 tỷ đồng trong quý III, vượt xa kế hoạch 570 tỷ đồng cho cả năm nay. Khoản lãi này là nhờ OGC chuyển nhượng thành công toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao xanh (công ty được tách từ CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long) là công ty con do OGC nắm giữ 68,2% vốn điều lệ cho Vincom Retail.
Tổng giám đốc Lê Duy Giang khẳng định: “quý IV, OGC nhất định không lỗ”. Theo ông Giang, OGC đang làm thủ tục chuyển nhượng Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, nhà trẻ và nhà ở cao tầng – VNT Hạ Đình tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Dự án này OGC góp 50% vốn và nếu thương vụ thành công sẽ đóng góp khoản lợi nhuận lớn cho OGC.
Ngoài ra, OGC cũng sẽ chuyển nhượng Dự án Time Tower tại Trung tâm cột đồng hồ TP. Hạ Long. Tuy nhiên, điều các cổ đông quan tâm nhất là: sau khi thanh lý các dự án, OGC sẽ còn lại những gì?
Lãnh đạo OGC cho biết, đối với Dự án 25 Trần Khánh Dư, dự án do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và OGC làm đồng chủ đầu tư, ban đầu Tập đoàn dự định chuyển nhượng, nhưng sau đó giữ lại.
Về dự án Gia Định Plaza (tại số 7, đường Trường Chinh, quận 12, TP. HCM) với diện tích khu đất hơn 12.000 m2, ông Giang cho biết, dự án này trước đây tạm dừng 6 - 8 tháng, hiện đã có đối tác quan tâm và OGC đang đàm phán với đối tác để đối tác tiếp tục góp tiền hoàn thiện. Các dự án này đang được khởi động lại, nên khả năng hoàn nhập dự phòng là có.
Ban lãnh đạo OGC kỳ vọng, Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2015, hết quý I/2016 sẽ thu phí sẽ cho dòng tiền trong thời gian tới. Tuy nhiên, vốn tham gia của OGC tại dự án này ban đầu là 40%, nhưng sau này OGC giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 21%.
Nhiều cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn về “số phận” của khoản phải thu trên báo cáo tài chính quý III. Tại thời điểm 30/9, OGC có khoản phải thu ngắn hạn hơn 3.064 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ đồng là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn, dự phòng phải thu lên tới 1.506 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cũng có khoản phải thu dài hạn gần 1.500 tỷ đồng; trong đó dự phòng phải thu là 500 tỷ đồng. Khoản cho vay CTCP Thương mại và đầu tư Mạnh Hà hơn 550 tỷ đồng, phải thu CTCP Đầu tư xây dựng Sông Đà 672 tỷ đồng, Bình Dương Xanh 270 tỷ đồng, VNT 730 tỷ đồng, ông Hà Trọng Nam 500 tỷ đồng kéo dài từ năm 2014 sang năm nay vẫn chưa có hồi đáp.
Tính đến cuối quý III, OGC có khoản nợ ngắn hạn hơn 3.100 tỷ đồng, trong khi Tập đoàn đang có khoản lỗ lũy kế 837 tỷ đồng.
Với tình hình tài chính hiện tại, chắc chắn, Ban lãnh đạo OGC sẽ phải cơ cấu lại các tài sản để có thể sớm trở lại hoạt động ổn định. Tương lai cổ phiếu OGC trở về với mệnh giá còn xa...