OECD: Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, nhưng thách thức mới đã nảy sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng đã cho thấy khả năng chống chịu sau đại dịch, nhưng thách thức mới đã nảy sinh. Việt Nam cần sử dụng đáng kể không gian chính sách nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng xuất hiện, đặc biệt là chính sách tài khoá.
Ông Koen Vincent, Phó Vụ trưởng kinh tế của OECD trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023 sáng 26/4 (Ảnh: MPI) Ông Koen Vincent, Phó Vụ trưởng kinh tế của OECD trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023 sáng 26/4 (Ảnh: MPI)

Sáng nay (26/4), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”. Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.

Công bố báo cáo, TS. Koen Vincent, Phó Vụ trưởng Kinh tế của OECD nhận định, Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy. Thời kỳ đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á.

OECD và ADB dự báo, GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6,6% trong năm 2024; cùng với mức lạm phát là 4,3% và 3,7%.

OECD và ADB dự báo, GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6.5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6.6% trong năm 2024.

OECD và ADB dự báo, GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6.5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6.6% trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo TS. Koen Vincent, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Cụ thể, những bất ổn địa chính trị đang gây sức ép lên triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam. Tăng trưởng được dự báo là vững chắc, nhưng có những rủi ro suy giảm đáng kể.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Báo cáo Kinh tế của OECD đưa ra một số thông điệp chính.

Một là, ưu tiên chính sách kiềm chế lạm phát đi liền với hỗ trợ phục hồi. Cụ thể, chính sách tiền tệ sẽ cần được thắt chặt sớm hơn nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Cho dù triển vọng lạm phát rất bất ổn, việc duy trì bình ổn giá phải được coi là trọng tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng không gian tài khóa để cung cấp thêm hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động của chi phí sinh hoạt gia tăng đối với các nhóm dễ tổn thương.

"Thuế giá trị gia tăng và thuế nhiên liệu đã tạm thời được cắt giảm. Có thể cần hỗ trợ bổ sung nhưng có trọng tâm hơn nếu các rủi ro suy giảm thành hiện thực. Cần triển khai đầu tư công đã được đưa vào trong gói kích thích kinh tế mới nhất hồi đầu năm 2022 theo kế hoạch. Việc đơn giản hóa các quy định và thủ tục đầu tư công sẽ giúp tăng tốc giải ngân", Báo cáo nhấn mạnh.

Hai là, cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp cần được thúc đẩy bởi công nghệ tiên tiến và cải thiện hiệu suất kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, điều cốt yếu là khôi phục tính năng động của thị trường thông qua việc đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính.

Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” sáng 26/4 (Ảnh: M.MInh)

Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” sáng 26/4 (Ảnh: M.MInh)

Bảo đảm một sân chơi bình đẳng là then chốt để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhờ những nỗ lực cải cách sâu rộng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những thị trường mở nhất Đông Nam Á và đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Các hạn chế về cạnh tranh thấp hơn so với các nền kinh tế thị trường mới nổi khác, nhưng vẫn cần cải thiện thêm. Đặc biệt, sự tham gia của Nhà nước vẫn rất mạnh trong một số lĩnh vực, nơi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò chi phối, đáng lưu ý là năng lượng, giao thông và viễn thông.

Ba là, cần tăng tốc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Để thúc đẩy hơn nữa quá trình số hóa, cần phân bổ thêm nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, cũng như đào tạo tại chỗ để nuôi dưỡng các tài năng và kỹ năng số hóa. Rất nhiều quy định, gồm cả các quy định về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới cần được nới lỏng, trong khi tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng. Những cải cách này cũng rất quan trọng để nâng cao mức độ tinh vi trong sản xuất, giúp tăng cường sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Chính phủ đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao trong quá khứ được hỗ trợ bởi việc tăng tiêu thụ năng lượng, hầu hết từ nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam cần có một chương trình toàn diện để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp.

Chiến lược này cần bao gồm cải cách ngành năng lượng, trong đó gia tăng quy mô đầu tư cho năng lượng tái tạo, đánh thuế bảo vệ môi trường đối với tất cả nhiên liệu hóa thạch, đẩy nhanh việc thiết lập thị trường các-bon...

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng tương đối ổn định hơn so với khu vực và cả trên bình diện thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Lễ công bố (Ảnh: MPI)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Lễ công bố (Ảnh: MPI)

Việt Nam cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực cải cách gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.

"Đằng sau những chuyển biến rất tích cực về kinh tế và chính sách ấy là tư duy tích cực, nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị trên các lĩnh vực: cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô; và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế", Thứ trưởng nói.

Trên tinh thần ấy, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao“Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.

"Đây là một tài liệu quan trọng, lần đầu tiên OECD thực hiện cho Việt Nam, với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng. Tôi tin tưởng rằng, Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận về Báo cáo, nhiều ý kiến đóng góp cho điều hành kinh tế Việt Nam đã được các chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ADB... cùng trao đổi, khuyến nghị.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB (Ảnh: MPI)

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB (Ảnh: MPI)

Đáng chú ý, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB nhận định, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế được quan tâm nhất về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Câu chuyện ở đây không phải là không có nguồn lực mà là nguồn lực muốn đầu tư vào Việt Nam đang gặp hai vấn đề trở ngại là khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam và thể chế của Việt Nam liệu có tạo điều kiện cho nguồn lực vào không.

"Việt Nam hiện nay là nền kinh tế 400 tỷ USD, cực kỳ phức tạp, mang tính liên ngành rất nhiều. Chúng ta cần cải cách thể chế để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, phục vụ quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", ông Cường đề nghị.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục