Năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
Trong nền kinh tế thế giới đầy bất ổn năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng, song cũng đối mặt không ít rủi ro tiềm ẩn.
Xuất khẩu luôn được xem là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh Xuất khẩu luôn được xem là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Kinh tế toàn cầu: Suy thoái hay phục hồi?

Nền kinh tế thế giới sẽ tràn đầy bất ổn trong năm 2023, với các yếu tố như lạm phát cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng, làm giảm doanh số bán lẻ ở nhiều quốc gia; lãi suất tăng sẽ làm giảm thanh khoản của thị trường bất động sản, các nhà phát triển bất động sản sẽ trì hoãn xây dựng các dự án mới. Thêm vào đó, việc Trung Quốc khó thoát khỏi đại dịch sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn và căng thẳng địa chính trị sẽ gây ra nhiều biến động hơn trong thị trường năng lượng, thực phẩm và tài chính.

Rất may, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán rằng, kinh tế thế giới sẽ giảm được suy thoái vào năm 2023, nhưng chỉ với tốc độ vừa phải. OECD dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 2,2% năm 2023, trong khi IMF dự báo con số này là 2,7%.

Hoạt động tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ đình trệ, khi các ngân hàng trung ương tìm cách ghìm tốc độ tăng cao của lạm phát bằng cách thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm trong những tháng gần đây, từ mức cao nhất là 9% trong tháng 6/2022, xuống còn 7,1% trong tháng 11/2022. Đây là một mức độ giảm đáng khích lệ so với áp lực giá cả hiện nay, nhưng vẫn vượt quá so với mục tiêu chính thức là 2%.

Với 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Sẽ còn cần nhiều đợt tăng giá thêm nữa để kiểm soát lạm phát, do đó, theo khảo sát mới nhất của các nhà dự báo chuyên nghiệp, GDP của Hoa Kỳ dự kiến sẽ chỉ tăng 0,7% vào năm 2023.

Trong khi đó, châu Âu đang phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, lạm phát khu vực đồng euro vẫn không ngừng ở mức trên 10% trong tháng 11/2022 - vượt quá xa mục tiêu chính thức là 2%. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thận trọng với cuộc chiến chống lạm phát, do đó tỷ lệ tái cấp vốn chỉ dừng ở mức 2,5%. Mức này không đủ cao để đẩy lùi áp lực giá cả. Thắt chặt tiền tệ, lạm phát cao, giá năng lượng đắt đỏ và tình trạng không chắc chắn đang diễn ra, tất cả sẽ đè nặng lên tăng trưởng của châu Âu năm 2023.

Trong khi đó, chiến tranh ở Ukraine cũng đang che mờ triển vọng phát triển của châu Âu, với những mối đe dọa tái diễn về sự gián đoạn, quan hệ rạn nứt với Nga và cuộc khủng hoảng người tị nạn mới tiềm ẩn. OECD dự đoán, kinh tế châu Âu sẽ chỉ tăng ở mức khoảng 0,5% năm 2023.

Châu Á mới nổi là động lực tăng trưởng chính

Châu Á mới nổi sẽ là động lực tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023. Các quốc gia này sẽ tiếp tục chống lại những cơn gió ngược toàn cầu và sẽ chỉ phải chịu mức lạm phát tăng vừa phải và trong ngắn hạn. Theo dự báo mới nhất của OECD, 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đến từ các nước châu Á mới nổi. Đặc biệt, tăng trưởng mạnh sẽ diễn ra ở Ấn Độ (6%), Philippines (5%), Indonesia (4,9%), Malaysia (4,4%) và Thái Lan (3,7%).

Dự đoán về tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh luận. IMF và OECD đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4,6% vào năm 2023. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mà đất nước này đạt được trong thập kỷ qua. Hơn thế nữa, Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đã giảm dự báo còn 4,3%.

Sau 3 năm không khoan nhượng với Covid-19, các đợt đóng cửa tái diễn khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị xáo trộn, quốc gia này đang dỡ bỏ mọi hạn chế và mở cửa trở lại với tốc độ nhanh chóng.

Kinh nghiệm mở cửa trở lại ở các quốc gia khác cho thấy, trong môi trường tiêm chủng không đầy đủ, các ca nhiễm sẽ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu nhập viện khẩn cấp cao. Điều này sẽ dẫn đến việc người dân sẽ tự nguyện giảm các tương tác xã hội cho đến khi tình hình trở lại bình thường. Do đó, số công nhân sẽ suy giảm đáng kể, người tiêu dùng sẽ tránh xa các trung tâm mua sắm và các trung tâm giải trí cũng hoạt động ít hơn. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng, nỗi sợ lây nhiễm sẽ giảm dần và hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục. Sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra vào quý II/2023. Tuy nhiên, vẫn rất khó để dự đoán đại dịch sẽ phát triển như thế nào.

Việt Nam: Thêm một năm tăng trưởng mạnh mẽ

IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng 6,1%, WB đưa ra mức tăng trưởng 6,4% và ADB dự báo tăng 6,7%. Mức tăng trưởng như vậy sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Giống như những nơi khác thuộc nhóm nước châu Á mới nổi, tăng trưởng mạnh mẽ được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra ở Việt Nam. IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trưởng 6,1%, WB đưa ra mức tăng trưởng 6,4% và ADB dự báo tăng 6,7%. Mức tăng trưởng như vậy sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Triển vọng tăng trưởng lạc quan phần lớn nhờ vào việc Covid-19 được kiểm soát hiệu quả bằng các quyết định tiêm chủng sớm cho người dân và dỡ bỏ mọi hạn chế, nên các hoạt động của xã hội sớm quay trở lại bình thường.

Lạm phát của Việt Nam đã tăng, nhưng chỉ vượt quá mục tiêu chính thức (4%) với biên độ nhỏ trong tháng 11 (4,37%). Việc tăng lãi suất một cách thận trọng của ngân hàng trung ương được đánh giá tích cực để kiểm soát lạm phát và duy trì niềm tin mà không gây rủi ro cho tốc độ tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thận trọng, vì áp lực lạm phát có thể gia tăng, đặc biệt nếu tỷ giá hối đoái giảm sẽ ảnh hưởng đến giá nhập khẩu và đẩy lạm phát đi lên trong những tháng tới. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là đưa lạm phát trở lại mục tiêu chính thức trong một khoảng thời gian ngắn và hợp lý.

Giữ đà tăng trưởng nhanh trong khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu chắc chắn sẽ là một thách thức. Xuất khẩu là động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, nhưng các nhà xuất khẩu sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu từ các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, với nhiều câu chuyện thành công trong lĩnh vực điện tử. Những thông báo mở rộng đầu tư của Samsung, LG, Foxconn và Lego minh chứng cho sức hấp dẫn không ngừng của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đa quốc gia đang phải đối mặt với áp lực phải khôi phục hoạt động sản xuất, thúc đẩy tạo việc làm ở nước họ, làm cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và củng cố an ninh quốc gia. Điều này có thể làm suy yếu dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Đầu tư bất động sản cũng là động lực tăng trưởng chính trong những năm gần đây, mặc dù có rủi ro tài chính lớn. Lãi suất thấp và điều kiện tín dụng dễ dàng đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản, với giá nhà đất tăng nhanh.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng để chống lạm phát, chu kỳ tăng giá nhà đất sắp kết thúc. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở các thị trường nhà ở trên khắp thế giới: giá nhà ở tại Trung Quốc đã giảm trong 2 năm qua, với một số nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Giá nhà ở Mỹ đã giảm kể từ giữa năm 2022 do sự tăng trưởng của lãi suất thế chấp. Người mua nhà Việt Nam sẽ thận trọng hơn trong thời gian tới và các nhà phát triển sẽ trì hoãn xây dựng các dự án mới, dẫn tới thị trường sẽ đóng băng. Điều này sẽ là một nguyên nhân quan trọng bóp nghẹt động cơ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đầu tư cho việc giảm thiểu carbon có thể trở thành động lực tăng trưởng chính trong ngắn hạn và trung hạn. Việt Nam đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, không còn nhiều thời gian để thực hiện các khoản đầu tư lớn cần thiết để cắt giảm lượng khí thải. Mặc dù đã có nhiều dự án sử dụng pin mặt trời và turbin gió hơn so với trước, song than vẫn là trụ cột chính của ngành điện Việt Nam và là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư lớn để khử carbon trong sản xuất điện, củng cố lưới điện và phổ biến sử dụng xe điện trong giao thông. Việt Nam đã cam kết hạn chế lượng khí thải của ngành điện ở mức 170 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2030, với một nửa lượng điện đến từ năng lượng tái tạo. Khoản đầu tư này sẽ được hỗ trợ bởi một gói tài trợ từ các nền kinh tế tiên tiến, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Nhận diện rủi ro

Những dự báo này mô tả một triển vọng lạc quan về tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát giảm. Nhưng hiếm khi việc đưa ra dự báo lại khó khăn như hiện tại. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam nên sẵn sàng cho những cú sốc mới và có thể là một cuộc khủng hoảng mới. Tình hình địa chính trị vẫn nghiêm trọng. Các cuộc xung đột tạo ra những làn sóng biến động toàn cầu, với những tác động mạnh mẽ đến thị trường năng lượng, thực phẩm và tài chính. Không thể đoán trước được những căng thẳng địa chính trị này sẽ diễn ra như thế nào. Hy vọng hòa bình có thể đạt được, nhưng những sự cố nguy hiểm vẫn đang rất đáng lo ngại.

Cuộc chiến toàn cầu chống lạm phát cũng là một rủi ro lớn. Mặc dù theo Fed, lạm phát đã giảm chậm trong vài tháng qua, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định thành công. Tại khu vực các nước sử dụng đồng euro, lạm phát vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm và dự kiến sẽ có một số đợt tăng giá nữa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lãi suất cao hơn nhiều ở những khu vực này sẽ kéo theo dòng vốn quay trở lại các thị trường có năng suất cao và các nơi trú ẩn an toàn, từ đó gây áp lực lên đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Việt Nam hy vọng sẽ có một năm 2023 thành công. Chúng ta hy vọng những điều tốt nhất, nhưng cũng phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Patrick Lenain
Chuyên gia cao cấp, Hội đồng Chính sách kinh tế, trụ sở tại Zurich (Thụy Sỹ)/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục