Sáng 21/9, đại diện nguyên đơn dân sự Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng phân tích chi tiết những khoản tiền hạch toán sai quy định kế toán tài chính.
Cụ thể, tài khoản TK3612 chỉ nhằm ghi nhận tạm ứng, thuộc nhóm TK361 quy định thanh toán nội bộ. Quan hệ thanh toán của tổ chức tín dụng với khách hàng không được hạch toán vào tài khoản này. Thao tác tác nghiệp kế toán phải được hoàn ứng bằng tiền mặt, hoặc chứng từ, chứng cứ. Việc không hoàn ứng được coi là mất vốn.
Còn tài khoản TK801 là tài khoản trả lãi tiền gửi, chỉ được hạch toán chi trả lãi khách hàng căn cứ mức lãi suất ghi trên hợp đồng, sổ tiết kiệm.
Đối với khoản tiền 66 tỷ đồng hội sở chi trực tiếp cho khách hàng cá nhân, theo kết quả điều tra, khoản tiền này được chi thêm cho khách hàng bằng thỏa thuận miệng. Căn cứ thể hiện trên bảng kê chi trả lãi trong ngày, không có chứng từ gốc chứng minh, chỉ có bút toán trên hệ thống phần mềm.
Luật sư Hưng khẳng định, khoản chi trên không có chứng từ, không có khả năng thu hồi và được coi là nguồn tiền bị thất thoát.
Oceanbank tính toán, trong tổng số tiền 1.576 tỷ đồng, có hơn 130 tỷ đồng hoàn ứng và khoản 150 tỷ đồng cơ quan điều tra tách ra làm rõ hành vi chiếm đoạt của Nguyễn Xuân Sơn va Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng SBIC). Số tiền còn lại, Oceanbannk đề nghị thu hồi là 1.275 tỷ đồng.
Nhắc lại câu chuyện của bị cáo Hà Văn Thắm và bạn cùng phòng giam, luật sư Hưng cũng lập luận: “Nếu ông sửa xe ngồi ở vỉa hè tranh luận với nhau vụ án này thắc mắc những lợi nhuận ở đâu chưa biết, nhưng khoản tiền ông Quỳnh (Ninh Văn Quỳnh – cựu kế toán trưởng PVN) nhận tiêu riêng có mất không. Chính các bị cáo đặt ra câu chuyện Oceanbank chi nhánh Hải Phòng bị mất 400 tỷ từ năm 2012, Oceanbank mới có phải gánh nghĩa vụ đấy không? Như vậy, sẽ có lời phán quyết trả lời là lỗi của người gây ra, nhưng trong xét xử sợ nhất góc khuất không được bày ra”.
Về tang vật thu giữ gồm các khoản tiền khối tài chính kế toán, chi nhánh và một số cá nhân nộp, Ocecanbank đề nghị giao lại cho ngân hàng quản lý, sử dụng và đưa vào hoạt động kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cũng cho biết, Oceanbank từng có các công văn gửi NHNN, cơ quan tố tụng xem xét cho các bị cáo.
“Suốt diễn biến phiên tòa, chúng tôi nhận được tinh thần của các lãnh đạo đề nghị HĐXX xem xét triệt để tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo về động cơ, mục đích, hoàn cảnh khắc nghiệt của ngành ngân hàng. Có thể do họ lúng túng hoặc chính sách lúng túng”, luật sư Hưng nói thêm.
“Chúng tôi cũng cảm nhận trong bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân chưa thấu, chưa tới. Ở tuyến cơ sở, các bị cáo đã nộp hết tiền bằng thái độ bán cả nhà, nhưng vẫn có một số người bị đề nghị mức án 36-42 tháng. Họ chỉ là người thực hiện.
Ở tuyến hội sở, một số phòng ban chỉ thực hiện nhiệm vụ nhưng bị đẩy trách nhiệm cao cũng sẽ ảnh hưởng đến những người làm việc ở vị trí đó sau này. Chúng tôi khẩn thiết HĐXX nhìn nhận cho họ”, luật sư Hưng nói.
Trong vụ án này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN được xác định là nguyên đơn dân sự.
Luật sư Nguyễn Văn Thái, đại diện cho PVN đề đạt HĐXX xem xét, trong trường hợp xác định được cá nhân, tổ chức nào có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của PVN, thì căn cứ vào Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên buộc các tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho PVN theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư cũng kiến nghị HĐXX lưu tâm trong quá trình đưa ra phán quyết, loại bỏ thuật ngữ hay bất kỳ các cụm từ nào như cáo trạng đang sử dụng có hàm ý “PVN nhận lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “chi chăm sóc khách hàng PVN”, tránh dư luận có những cách hiểu lệch lạc về bản chất vụ việc, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của PVN.
Bởi lẽ, qua hồ sơ vụ án, diễn biến công khai tại phiên tòa, Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVN cho thấy, hoàn toàn không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào cho thấy PVN có nhận tiền “lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “tiền chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank.