OCB lấy chuyển đổi số làm bệ phóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/1 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã mở màn niêm yết trong năm 2021 khi chính thức đưa hơn 1 tỷ cổ phiếu giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB về hình hình hoạt động và tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 2021 - 2025. 
Chủ tịch HĐQT OCB ông Trịnh Văn Tuấn nhận quyết định niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Chủ tịch HĐQT OCB ông Trịnh Văn Tuấn nhận quyết định niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì ở tân binh cổ phiếu “vua” chào sàn đầu năm mới 2021, thưa ông?

Từ vị thế một nhà băng "khiêm tốn", OCB đã vươn lên nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam theo 3 tiêu chí: tốc độ tăng trưởng, an toàn và hiệu quả. Không chỉ hiệu quả hoạt động và lợi nhuận, OCB luôn chủ động kiểm soát chi phí, thực hiện đồng bộ các giải pháp tối ưu chi phí nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đây là định hướng xuyên suốt của Ngân hàng.

Trong 10 năm qua, vốn chủ sở hữu của OCB đã tăng gần 8 lần, lợi nhuận tăng hơn 16 lần và tổng tài sản tăng 12 lần. Qua đó, OCB trở thành ngân hàng thương mại cổ phần giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, số 3 về hiệu quả lợi nhuận trên vốn.

Xét về các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động, OCB là một ngân hàng hoạt động hiệu quả với mức sinh lời tốt khi chỉ số ROAA từ 0,47% năm 2015 tăng lên 2,61% vào năm 2020, còn ROAE tăng từ 5,1% lên gần 25%.

Những lợi thế về công nghệ số tiết giảm chi phí, nâng năng suất lao động cũng như tận dụng các nguồn vốn rẻ và có nguồn thu nhập ngoài lãi lớn đã giúp OCB có tỷ lệ sinh lời hiệu quả hàng đầu trong ngành ngân hàng.

Tỷ lệ cổ tức OCB chia cho cổ đông trong những năm qua duy trì ở mức tương đối cao và dự kiến mức chia cho năm 2020 là 25%.

Tăng trưởng phải đi cùng chất lượng tài sản. Vậy các chỉ số an toàn của OCB ra sao?

ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB.

ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB.

Trong cơ cấu tài sản sinh lãi, tỷ lệ cho vay khách hàng chiếm khoảng 64% và tỷ lệ này gia tăng dần qua các năm khi OCB đầu tư ứng dụng số hóa vào hoạt động cho vay từ năm 2018 đến nay.

Dù có tốc độ cho vay tăng trưởng khá cao và đều nhưng chất lượng tài sản của OCB luôn đạt ở mức an toàn. Tỷ lệ cho vay trên tổng huy động (LDR) duy trì dưới mức 70%, riêng năm 2020 dưới mức 85%.

Đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao liên tục trong nhiều năm nhưng đảm bảo an toàn là nhờ OCB tập trung hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Năm 2017, OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc triển khai Basel II tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, OCB đã đặt nền móng đi theo chuẩn mực an toàn từ rất sớm, trước 5 năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2020, OCB đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và từ năm 2021 nghiên cứu triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao cơ bản và tự động hóa phê duyệt tín dụng.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được OCB chú trọng, luôn đảm bảo đạt trên 11,2%, cao thứ hai trong danh sách các ngân hàng. Dù đạt hiệu suất cao nhưng nợ xấu của OCB vẫn giữ ở mức thấp so với trung bình ngành.

OCB đã hoàn thành mua lại nợ xấu bán cho VAMC từ năm 2018. Chất lượng tài sản của OCB được cải thiện đáng kể sau giai đoạn tái cấu trúc và tỷ lệ bao nợ xấu tăng đáng kể, từ 37% năm 2015 lên 62% cuối năm 2020, tỷ lệ nợ có tài sản đảm bảo tăng lên trên 93%. Cần phải khẳng định, OCB có khẩu vị thận trọng về rủi ro tín dụng, luôn đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô bền vững đi cùng với chất lượng tài sản ngày một nâng cao.

Trong năm 2020, Ngân hàng thu hút vốn ngoại khi Aozora Bank mua 15% cổ phần phát hành thêm nhằm nâng cao năng lực tài chính. Để nhận được sự tín nhiệm của các định chế tài chính nước ngoài không dễ dàng, đặc biệt là giai đoạn khó khăn cho ảnh hưởng của Covid-19. Vậy OCB có lợi thế gì, thưa ông?

OCB đã được Moody's Investors Service, một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới, tăng bậc xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) lên mức Ba3 vào tháng 7/2019. Đây là mức xếp hạng thuộc Top cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Được đánh giá là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam về hiệu quả hoạt động với tiềm năng tăng trưởng bền vững, OCB đã tạo được niềm tin để Aozora Bank - một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản, đầu tư 15% vốn cổ phần OCB và trở thành đối tác chiến lược lâu dài. Giao dịch này được vinh danh trong Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 - 2020 tại Việt Nam.

AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số; liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.

OCB có bán tiếp cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng thêm vốn trong thời gian tới?

Được thành lập năm 1996, đến nay, sau 25 năm phát triển, OCB đã đạt vốn điều lệ gần 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 18.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 153.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc tăng tiềm lực vốn luôn được OCB chú trọng.

OCB dự kiến sẽ bán thêm 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, không giới hạn số lượng nhà đầu tư. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm mua cổ phần của OCB. Tính đến nay, cổ đông ngoại đang nắm giữ gần 20% vốn của Ngân hàng.

Ông có thể chia sẻ tầm nhìn cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 của Ngân hàng?

Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ tăng từ 20 - 25%/năm, mục tiêu là đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tốt nhất Việt Nam.

Nhận định nhóm khách hàng trung lưu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2021- 2025, OCB sẽ tập trung mở rộng các sản phẩm tạo sự kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng này thông qua hệ thống số hóa phát triển đa kênh.

Duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong nhóm dẫn đầu; nâng cao chất lượng tài sản thông qua hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế; tối ưu hóa công nghệ, nền tảng ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hiệu quả là các mục tiêu chính mà chúng tôi đang hướng tới.

Chuyển đổi số được xem là bệ phóng cho các ngân hàng trong tăng trưởng, cạnh tranh trên thị trường và tạo sức bật về dịch vụ. Với OCB thì thế nào, thưa ông?

Một trong những trọng tâm khác của OCB là chuyển đổi số, với nhiều kết quả được đánh giá nằm trong nhóm đầu thị trường.

Năm 2018, OCB trở thành ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam với ứng dụng OCB OMNI. Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới - Gartner đánh giá, OCB đang dẫn đầu về chuyển đổi số trên thị trường ngân hàng trong 3 tiêu chí định hướng phát triển số, hệ thống nền tảng - hạ tầng mạng, an toàn bảo mật, các phần mềm lõi, các ứng dụng hỗ trợ, số hóa quy trình nội bộ.

Theo đó, đánh giá về mức độ phát triển theo định hướng ngân hàng số, OCB OMNI đạt mức 51% vào năm 2020, cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng (32%).

Các sản phẩm chiến lược của OCB tính đến thời điểm hiện tại đa dạng và thân thiện với khách hàng như OMNI Rewards, tích điểm đổi quà và OPEN API, với gần 50 APIs sẵn sàng tích hợp, mang lại cơ hội kinh doanh mới cho Ngân hàng.

Chính nhờ việc ứng dụng công nghệ, số hóa nhiều khâu trong quy trình xử lý nghiệp vụ cơ bản như thanh toán, tín dụng, quy mô nhân sự của OCB không tăng nhiều, dù Ngân hàng liên tục tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.

Năm 2021, OCB dự kiến có sự bứt phá về mặt chuyển đổi số. Đặc biệt, sau cuộc thi Open API Challenge vừa qua, Ngân hàng tiếp tục làm việc với 2 đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng này.

Nền tảng Open API được xây dựng và kỳ vọng cho phép các bên thứ ba tiếp cận vào Sandbox (cơ chế thử nghiệm) của OCB để phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với Ngân hàng…

Số hóa vẫn là chiến lược trọng tâm, đưa OCB trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục