Đồng hành cùng chủ trương lớn của Chính phủ
Chuyển đổi xanh là chủ trương lớn của Chính phủ và chủ trương này đã được cụ thể hoá trong nhiều tuyên bố, văn bản. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của các bên tham gia công ước về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ quyết tâm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để đạt tiêu chí này, theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 - 380 tỷ USD vốn đầu tư cho cả giai đoạn, hay 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; trong đó, có vai trò rất lớn của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Ngành ngân hàng, với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, việc triển khai các giải pháp từ ngân hàng sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào những dự án xanh, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Các ngân hàng trên toàn hệ thống đã và đang không ngừng xây dựng, ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, đề án, thúc đẩy công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh. Đây cũng là mục tiêu chiến lược của rất nhiều ngân hàng.
Tại OCB, ngân hàng xanh đã được đặt nền tảng từ rất sớm và được xây dựng thành chiến lược tổng thể, với sự đồng hành từ nhiều tổ chức quốc tế uy tín. Theo đó, năm 2012, OCB ban hành Chính sách quản lý rủi ro môi trường và xã hội, với sự tư vấn của IFC, đưa nội dung này vào hoạt động thẩm định, xem xét trước khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội được thực hiện ngay từ khi tiếp xúc khách hàng, đánh giá nhu cầu ban đầu và quá trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng nhằm đảm bảo các khoản cấp tín dụng không có, hoặc có ít tác động đến môi trường và xã hội.
Tháng 4/2024, OCB và IFC chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội.
Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh; đồng thời, tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
|
Nguồn: Báo cáo Phát triển bền vững 2023 của OCB |
Đặc biệt, trung tuần tháng 8 vừa qua, OCB cũng tiên phong công bố Báo cáo phát triển bền vững độc lập, với sự tư vấn từ IFC và PwC. Báo cáo không chỉ cung cấp thông tin về mục tiêu và định hướng mà còn nêu rõ những thành tựu, sáng kiến tiêu biểu trong năm 2023, cũng như kế hoạch tương lai về phát triển bền vững.
Qua đó, OCB muốn gửi gắm thông điệp về cam kết mạnh mẽ và những hành động cụ thể, giúp các bên liên quan (bao gồm khách hàng, cổ đông, nhân viên, cơ quan quản lý và cộng đồng) có cái nhìn toàn diện về hành trình bền vững mà Ngân hàng đang theo đuổi.
Bước tiến trong hành trình chuyển đổi xanh tại OCB
Sau khi công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập, trong năm tới, OCB hướng đến xây dựng hình ảnh ngân hàng có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, thông qua việc cam kết mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, nâng cao nhận thức về tài chính xanh, khuyến khích khách hàng ủng hộ sản phẩm xanh của OCB.
Ngân hàng cũng sẽ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thông qua việc đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện, giáo dục, hỗ trợ dự án phát triển bền vững; tăng cường giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động của ngân hàng, từ đó, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường.
OCB cũng đảm bảo minh bạch, trách nhiệm trong kinh doanh và thực hiện các cam kết ESG nhằm thể hiện trách nhiệm với các bên liên quan. Đối với cán bộ nhân viên, việc tạo môi trường làm việc lý tưởng, công bằng, đảm bảo quyền lợi, khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động xanh là mục tiêu được Ngân hàng đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh trong năm tới.
Riêng đối với hoạt động tập trung đẩy mạnh tăng quy mô tín dụng xanh, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết, với vai trò là một kênh dẫn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, Ngân hàng đã và đang có chiến lược để nguồn vốn xanh tiếp cận được các doanh nghiệp, dự án phù hợp.
Cụ thể, OCB phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc phân tích hiện trạng, ngành nghề vay xanh, yêu cầu của khách hàng, từ đó xây dựng chiến lược phát triển tài chính xanh phù hợp; xây dựng khung tài chính xanh dựa trên tham khảo các quy định/thông lệ quốc tế bao gồm thiết lập tiêu chí cụ thể để đánh giá tính khả thi và tác động môi trường của dự án có nhu cầu vay; thực hiện đào tạo cho nhân viên khối kinh doanh về tài chính xanh, khung phân loại, tiêu chí đánh giá từ đó giúp đơn vị tư vấn tốt hơn cho khách hàng; phát triển các gói tín dụng cụ thể dành cho những dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, quản lý nước, công nghệ sạch…, phù hợp với khách hàng hiện hữu cũng như nhóm khách hàng dự kiến tiếp cận trong tương lai; có kế hoạch xây dựng, thí điểm các chương trình phi tài chính như tư vấn thực hành ESG cho khách hàng nhằm xác định nhu cầu khách hàng, “may đo” sản phẩm phù hợp; cung cấp thông tin và hướng dẫn về tín dụng xanh cho doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích và quy trình... Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng tăng cường trao đổi hợp tác với các định chế nước ngoài nhằm thu hút nguồn tín dụng xanh cho đa dạng khách hàng và ngành nghề.
|
“Chúng tôi nhận thức rằng, mục tiêu của phát triển bền vững không chỉ là gia tăng giá trị kinh tế dài hạn cho Ngân hàng, mà còn hướng tới bảo vệ môi trường và kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, OCB không ngừng đầu tư và phát triển để trở thành một ngân hàng xanh (Green Bank) với tầm nhìn, sứ mệnh cũng như các mục tiêu cụ thể nhằm hiện thực hóa tham vọng này theo các mốc thời gian: Năm 2025 – thiết lập nền tảng ngân hàng có trách nhiệm; 2026 - duy trì, nâng cao hoạt động ngân hàng có trách nhiệm; 2027 - đóng góp xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững và năm 2050 - đồng hành cùng Chính phủ cho mục tiêu Net Zero”, ông Hải cho biết thêm.