OCB công bố báo cáo kiểm toán 2020: Lợi nhuận đạt 4.400 tỷ đồng

(ĐTCK) Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2020 vừa công bố, OCB vươn lên nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam theo hai tiêu chí tăng trưởng quy mô và chất lượng tài sản.

Cụ thể, kết thúc năm 2020, tổng tài sản OCB đạt 152.529 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 90.237 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, cho vay khách hàng đạt 89.628 tỷ đồng và huy động vốn thị trường 1 đạt 108.441 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019.

Sau khi hoàn tất thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản Aozora Bank, tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng 52%, đạt 17.435 tỷ đồng so với năm 2019. Giao dịch này được vinh danh trong Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 – 2020 tại Việt Nam.

Dù thuộc nhóm giữa về quy mô, OCB lại sở hữu các chỉ số sinh lời hàng đầu trong trong top 3 toàn ngành ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này trong năm 2020 đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 37% so với 2019.

Trong đó, OCB ghi nhận tăng trưởng thu phí và dịch vụ 54% so với 2019, đạt 840 tỷ chủ yếu nhờ mảng bảo hiểm, tăng trưởng từ đầu tư chứng khoán tăng 60%, đạt 1.751 tỷ năm 2020.

Từ đó, khoản thu nhập ngoài lãi vượt 3.000 tỷ đồng năm qua, nâng tỷ trong đóng góp trong tổng thu nhập hoạt động (TOI) lên xấp xỉ 40%, đa dạng hóa nguồn thu và củng cố mức độ an toàn tài sản so với việc chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ lãi.

Thu nhập lãi ròng (NII) chỉ chiếm khoảng 62%, tăng trưởng 21% trong năm 2020 nhờ biên lãi ròng (NIM) ổn định ở mức 3,9%, trong top 5 ngân hàng và tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân ngành.

Theo đánh giá của đơn vị phân tích, nhờ chất lượng quản trị tải sản tốt nên OCB có thể tham gia các chương trình huy động vốn ưu đãi có lãi suất thấp từ các nguồn quốc tế.

Với kết quả này, OCB đã vươn vào nhóm top 7 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam trong 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) bình quân đạt 2,6% và biên lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) đạt 24,4%.

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của OCB giảm từ 56,3% năm 2016 xuống còn 29,1% năm 2020. Cụ thể, tổng chi phí hoạt động (OPEX) của OCB năm 2020 giảm từ 2.449 tỷ xuống còn 2.330 tỷ chứng tỏ định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo trong việc đầu tư về công nghệ số.

Không dừng lại ở đó, tăng trưởng lợi nhuận nhanh, hiệu suất sinh lời cao của ngân hàng vẫn đi đôi với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,42% đến cuối năm 2020, giảm 0,07% so với 2019. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của OCB cũng thuộc nhóm đầu của ngành, đạt 12,9%.

Tháng 12/2020, OCB chính thức được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố chấp thuận hồ sơ niêm yết của ngân hàng với hơn 1 tỷ cổ phiếu và là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HOSE năm 2021.

Mới đây, OCB thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự đại hội thường niên, dự kiến được tổ chức vào ngày 28/4/2021. Mức chia cổ tức dự kiến cho năm 2020 sẽ khoảng 25%.

Theo thông cáo báo chí mới nhất từ Moody's Investors Service, một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới, OCB là 01 trong 04 ngân hàng tại Việt Nam được điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn của OCB từ "ổn định" lên "tích cực” và tiếp tục duy trì xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA-counterparty risk assessment) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR-counterparty risk ratings) ở mức Ba3, đây là mức xếp hạng thuộc nhóm cao tại Việt Nam hiện nay.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục