Kể từ ngày 5/10, thuế suất thuế nhập khẩu một số dòng ô tô từ Nga và Belarus sẽ được áp dụng ở mức 0% khi thực thi Nghị định thư giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Khó cạnh tranh
Theo dự thảo của Bộ Công thương, trong năm 2016, sẽ có 800 xe, năm 2017 có 850 xe, năm 2018 là 900 xe ô tô từ Nga về Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Với Belarus, con số tương ứng là 200, 250, 300 xe. Các doanh nghiệp như Công ty Thương mại Quốc tế (KAMAZ), Nhà máy sản xuất ô tô (GAZ, Llc), Công ty cổ phần Đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod (UAZ) và các doanh nghiệp được phía Nga ủy quyền để liên doanh với Việt Nam sản xuất các phương tiện vận tải sẽ nằm trong danh sách được hưởng các ưu đãi này.
Tại Belarus, Công ty cổ phần Minsk Automobile Plant - công ty quản lý của BELAUTOMAZ (MAZ) và những doanh nghiệp phù hợp với các điều khoản của Nghị định thư và các luật, quy định có liên quan của Việt Nam sẽ là đơn vị thụ hưởng cơ chế này. Các liên doanh này sẽ chủ yếu tập trung sản xuất các dòng xe SUV (loại xe thể theo đa dụng) của UAZ (MIC), phương tiện vận tải có động cơ dùng để chở từ 10 người trở lên bao gồm cả lái xe (M2, M2G, M3. M3G), xe tải (N1, N1G, N2, N2G, N3, N3G) và xe chuyên dụng (SB, SC, SD) theo thống nhất của hai bên. Danh sách các dòng xe phải được đưa vào kế hoạch sản xuất của liên doanh.
Bình luận về sự có mặt của các dòng xe xuất xứ từ Nga hay Belarus, chuyên gia ngành ô tô, ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cho hay, các dòng xe du lịch đến từ Nga khó lòng cạnh tranh được với các dòng xe ô tô của các hãng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đang có mặt trên thị trường Việt Nam về thiết kế, tiêu hao nhiên liệu.
Nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cũng cho hay, trước đây, Bộ Công thương đã tiến hành chắp nối cho các doanh nghiệp ô tô Nga hợp tác với Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) để thâm nhập rộng hơn thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả không đến đâu, dù Thaco hợp tác với rất nhiều thương hiệu ô tô đến từ các nước khác và rất đa dạng chủng loại, từ xe tải, xe du lịch đến xe bus.
Trước đó, từ năm 2003, KAMAZ đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức sản xuất, lắp ráp xe KAMAZ. Ước tính, đã có 2.000 xe được sản xuất và doanh số bán năm cao nhất là 500 xe. Song trong giai đoạn năm 2009-2010, do có nhiều thay đổi, nên việc lắp ráp xe KAMAZ ở Việt Nam đã ngừng lại.
Tháng 4/2015, KAMAZ đã ký hợp tác mới với Vinacomin, với mong muốn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có thêm tiến triển gì nhiều. Đơn vị lắp ráp xe KAMAZ trước đây là Công ty cổ phần Công nghiệp ô tô Vinacomin đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2008 và hiện chỉ cung cấp máy móc, thiết bị cho ngành mỏ. Năm 2009, Công ty cổ phần Ô tô KAMAZ - V - Itasco (Kamavia) chuyên kinh doanh, phân phối, lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa độc quyền ô tô KAMAZ và Sania cho thị trường Việt Nam đã được thành lập.
Thị trường ngách
Dẫu vậy, thông tin trên báo chí quốc tế cho hay, bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế SPIEF-2016 diễn ra tại St. Petersburg (LB Nga) hồi tháng 6/2016, ông Kogogin, Tổng giám đốc KAMAZ cho biết, trong năm 2016, tập đoàn này sẽ bán sang Việt Nam 1.000 xe các loại. “Năm 2016, KAMAZ có kế hoạch xuất khẩu 7.000 xe tải các loại trong tổng số 32.000 chiếc được sản xuất. Thỏa thuận đã ký và những hành động thiết thực từ nhà phân phối ở Việt Nam cho phép chúng tôi tin tưởng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc về lượng xe bán ra trên thị trường này. Trong năm 2015, chúng tôi đã bàn giao 700 xe. Năm nay, hy vọng con số sẽ đạt xấp xỉ 1.000 xe”, ông Kogogin nói với Hãng thông tấn Tass (Nga).
Trong Báo cáo thường niên 2014 của KAMAZ, Tập đoàn cũng nêu rõ một hợp đồng đáng chú ý là cung cấp 46 khung gầm xe tải quân sự việt dã 3 cầu chủ động KAMAZ-43118 cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) của Việt Nam trong số 139 chiếc được bán vào Việt Nam. Theo đánh giá, Việt Nam chiếm 2% thị phần các thị trường nước ngoài của KAMAZ.
Ông Akhat Urmanov, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Dịch vụ của KAMAZ, hồi tháng 3/2016, đã cho báo chí Việt Nam hay, Việt Nam là khu vực có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất xe lớn nhất trên thế giới, vì vậy KAMAZ đến với Việt Nam với mục tiêu cụ thể và tầm nhìn chiến lược dài hạn nhằm quảng bá hơn nữa sản phẩm của mình và thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên thị trường Việt Nam như thành lập công ty lắp ráp chuyên dụng, tổ hợp thương mại và dịch vụ, tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm.