WTO: Thuế vẫn ngất ngưởng
Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu từ mức 100% với ô tô nguyên chiếc xuống còn 70% vào năm 2014, theo lộ trình 7 năm. Riêng với xe chở người có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên sẽ phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 90% xuống còn 52% sau 12 năm gia nhập WTO, tức là thời điểm năm 2019. Còn xe 2 cầu sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống 47% sau 10 năm gia nhập, tức là vào năm 2017.
Sau các thời điểm được cam kết nêu trên, Việt Nam không cam kết cắt giảm tiếp thuế quan của mặt hàng ô tô với WTO. Như vậy, cơ hội để nhập khẩu xe bình dân có giá rẻ từ các nước thuộc khu vực châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản hay Mỹ về Việt Nam theo các cam kết với WTO không nhiều.
Phải tới năm 2019, các dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.5L của những nhãn hiệu BMW, Audi, Mercedes, Lexus, hay các siêu xe như Bently, Rolls Royce, Ferrari đang phải chịu thuế nhập khẩu 70% mới có cơ hội giảm thuế xuống 52%.
Những dòng xe 2 cầu của các nhãn hiệu này sẽ được hưởng lợi sớm hơn, tức là có thuế suất 47% vào năm 2017. Tuy nhiên, các dòng xe được hưởng lợi về thuế này cũng là các dòng xe cao cấp, nhiều tiền, không phổ cập như các dòng xe có dung tích động cơ dưới 2.5L.
ASEAN: Khó xuất xứ
Ngoài WTO, Việt Nam đã ký và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại với hàng loạt đối tác khác. Vì vậy, cam kết về mở cửa với ô tô nguyên chiếc của Việt Nam cũng không đồng nhất.
Cụ thể, với khu vực ASEAN, Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chở người về 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế nhập khẩu này, ô tô nguyên chiếc phải có chứng nhận xuất xứ form D của ASEAN, tức là có hàm lượng sản xuất trong khu vực ASEAN là 40%.
Với Trung Quốc, theo Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chở người sẽ được cắt giảm xuống mức 50% vào năm 2018. Song Trung Quốc có lợi thế lớn về xe tải, khi thuế nhập khẩu xe ô tô tự đổ được thiết kế để sử dụng trên các loại đường không phải là quốc lộ sẽ giảm từ mức 5% trong giai đoạn 2015-2017 về 0% vào năm 2018 theo biểu thuế được ban hành tại Thông tư 166/2014/TT-BTC.
Với các loại xe tải khác, mức thuế suất ACTFA không áp dụng với Trung Quốc, trừ ô tô tải có tổng trọng lượng có tải trên 20 tấn, loại chạy xăng có mức thuế là 20%.
Hàn Quốc: Xe trên 3.0L mới được hưởng lợi
Điều được người tiêu dùng quan tâm là các cam kết mở cửa của mặt hàng ô tô với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay các nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn là những nước có nền công nghiệp sản xuất ô tô lớn với nhiều tên tuổi được ưa chuộng tại Việt Nam.
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), trong hiệp định thương mại ký với Hàn Quốc, Việt Nam chỉ cam kết xoá bỏ thuế quan với 2 mặt hàng ô tô sau 10 năm. Đó là mã HS 87032451 của xe ô tô 4 bánh chủ động, được thiết kế chở người, có dung tích xi lanh trên 3.0L sẽ cắt giảm thuế suất từ 68% vào năm 2016 về 0% vào năm 2025.
Với mã HS 87042259 là xe tải có tổng trọng tải tối đa trên 10 tấn, nhưng không quá 20 tấn sẽ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 30% năm 2016 về 0% vào năm 2025. Với các mặt hàng ô tô còn lại, tình hình không có gì sáng sủa, bởi không được cam kết.
Phấp phỏng ngóng TPP
Trong đàm phán TPP và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với EU, các nước có liên quan nhất với ngành ô tô chính là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp. Một thành viên tham gia đàm phán các hiệp định lớn này của Việt Nam cho hay, các phiên đàm phán của TPP được EU rất quan tâm và chờ đợi, do EU muốn tham khảo các kết quả đạt được của TPP để không bị hớ trong các cam kết của mình so với TPP.
Đáng nói là, việc tham khảo này cũng không có gì khó khăn, bởi tại Mỹ, do các quan điểm về TPP rất khác biệt, nên các cam kết của TPP được công bố khá rõ ràng, nhằm tạo ra sự ủng hộ lớn nhất tại đây với chính quyền của Tổng thống Obama.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, trong dòng chảy của TPP đang được đẩy nhanh giữa các đối tác lớn, Việt Nam cũng có những phương án ứng phó cụ thể. Trong đó, mặt hàng ô tô sẽ có những đột phá trong các cam kết về thuế quan và mở cửa so với các cam kết đang áp dụng theo WTO hiện nay.