Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải về phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Theo đó, tại văn bản gửi hai cơ quan trên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, hồi tháng 2 vừa rồi, Bộ Tài chính nhận được Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính "chủ trì nghiên cứu, ban hành phí môi trường theo hướng nâng cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3".
Trước đó, tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ khi nêu một số giải pháp và cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn dến 2030 có tính đến việc "ban hành phí môi trường cao đối với xe có dung tích động cơ trên 3.0 lít".
Góp ý cho vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, theo Nghị định 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2016 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí thì "phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ". Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm đề xuất với Chính phủ về những hoạt động cần thu phí, lệ phí và kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu đối với từng loại phí, lệ phí.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính là trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, gửi về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.
Liên quan đến chính sách thuế phí với ô tô có dung tích xi lanh lớn, theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô vừa được sửa đổi, từ 1/7/2016 tới, mức thuế dành cho xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 sẽ là 90%; với xe có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 sẽ là 110%.
Với xe có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 và xe có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3, mức thuế lần lượt là 130% và 150%. Như vậy, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho các dòng xe có dung tích xi lanh lớn từ tháng 7 sẽ tăng rất mạnh so với mức thuế hiện hành là 60%.
Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại xe có dung tích xi lanh từ 2.500cm3 sẽ giữ nguyên, từ trên 2.500 cm đến 3.000 cm3 sẽ tăng từ mức 50% hiện hành lên 55% trước khi tăng lên 60% kể từ ngày 1/1/2018.
Về chính sách thuế, phí môi trường, hồi giữa năm ngoái, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã tăng 300% so với mức trước đó. Cụ thể, mức thuế với xăng đã tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 đồng lên 1.500 đồng/ lít từ 1/5/2015.