Nuôi khát vọng trường tồn bằng tư duy giá trị

(ĐTCK) Theo Giáo sư Phan Văn Trường, các doanh nghiệp Việt Nam có khuynh hướng lý luận khá đơn thuần trên một vài tiêu chuẩn hẹp hòi như "giá rẻ nhất", mà ít quan tâm đến chất lượng thực. Đây là một trong ba khuyết điểm lớn cần khắc phục nếu muốn trường tồn. 
Nuôi khát vọng trường tồn bằng tư duy giá trị

Từ thực tế thương trường quốc tế và hàng chục năm lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, Giáo sư đã chia sẻ với các doanh nghiệp rằng muốn trường tồn và đi lên buộc phải có khát vọng dẫn đầu. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về quan điểm này?

Khả năng trường tồn, trên nguyên tắc, là công ty nào cũng có thể đạt được, vì họ là pháp nhân, chứ không phải là một cơ thể sống.

Có ba vấn đề đặt ra khi doanh nghiệp muốn trường tồn. Thứ nhất là khả năng đánh bại đối thủ cạnh tranh. Thứ hai là khả năng theo sát công nghệ tân tiến nhất. Thứ ba là cả nhân sự lãnh đạo và nhân sự toàn công ty có năng lực tương đương với nhân lực xuất sắc nhất thế giới. Trong điểm số ba này, phải kể đến cả khả năng quản lý kế thừa. Hiện thời, các doanh nghiệp Việt Nam có những khuyết điểm lớn về cả ba mặt.

Về khả năng đánh bại đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam có khuynh hướng lý luận khá đơn thuần trên một vài tiêu chuẩn hẹp hòi như "giá rẻ nhất". Hiện thời, ít ai quan tâm đến chất lượng thực.

Về mặt công nghệ thì hiện thời không có gì để nói, vì chúng ta chưa có nhiều công ty áp dụng công nghệ cao nhất.

Còn về khả năng quản lý kế thừa thì chúng ta đang sống trong một thập niên mà hầu hết các công ty gia đình phải chuyển tay. Ðể xem họ chuyển tay cho người trong gia đình hay người tài lấy từ ngoài doanh nghiệp. Vẫn có thể trong vài doanh nghiệp gia đình, có những người con có khả năng thay người thành lập, nhưng lý luận đó không thể kéo dài mãi mãi.

Không doanh nghiệp nào lại không muốn lớn, vậy đâu là những điểm yếu trong doanh nghiệp Việt cần khắc phục trong quá trình tích tụ nguồn lực để lớn lên, theo quan sát của Giáo sư?

Trong quá trình lớn lên mà mình tạm gọi là tăng trưởng, thì mọi yếu tố đều phải tiến bộ mới cho phép một doanh nghiệp phát triển. Tăng trưởng mà không phát triển sẽ rất sớm gặp rủi ro. Ðây là một trường hợp kinh điển.

Các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất .

Nhưng phát triển chỉ tới nếu song song các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến về rất nhiều mặt: Văn hóa công ty, văn hóa cá nhân của các nhân viên, thay đổi hoàn toàn dụng cụ và trang bị kỹ thuật, quy trình làm việc, truyền thông trong doanh nghiệp, và rất nhiều thứ khác, mà trong đó trình độ ngoại ngữ chỉ là một phần rất nhỏ.

Một kỹ sư người nước ngoài sẽ rất khó làm việc tại Việt Nam vì sẽ cảm nhận là chung quanh, mọi người không làm việc theo chuẩn mực cần phải có. Một trong những chuẩn mực là khái niệm "công dân toàn cầu". Chỉ cần đọc các báo cáo nội bộ trong các doanh nghiệp thì sẽ thấy khá ít doanh nghiệp Việt Nam biết báo cáo chuẩn.

Có những bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Phải chăng, Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào việc ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?

Quốc gia nào cũng cần đủ mọi loại công ty. Các doanh nghiệp lớn đóng góp cho trình độ chung của nền kinh tế, nhưng chính các doanh nghiệp nhỏ mới là nơi đáng quan tâm. Trong mọi quốc gia, công ty nhỏ mới có khả năng cao giúp cho giải quyết nạn thất nghiệp, hấp thụ nhanh các công nghệ mới, tạo làn sóng dịch vụ mà cả nước cần.

Vai trò to, nhỏ khá đồng đều, vì mỗi loại doanh nghiệp đóng góp một kiểu cho nền kinh tế. Hiện thời, tôi có cảm nhận là trong nước, các doanh nghiệp lớn chưa làm đủ nghĩa vụ với các công ty nhỏ. Các anh lớn hình như chưa muốn tạo cơ hội cho các công ty nhỏ lớn lên. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện tượng này càng thấy rõ hơn. Ngoại trừ một vài anh lớn, tôi mong rằng cộng đồng các anh lớn ý thức được sâu sắc hơn vai trò của mình, nhất là trong việc khuyến khích phong trào khởi nghiệp, trong hoặc ngoài doanh nghiệp của các anh. 

Trở lại với câu chuyện khát vọng dẫn đầu của doanh nghiệp Việt, làm thế nào để doanh nghiệp giải quyết được mâu thuẫn ngắn hạn là mục tiêu lợi nhuận hàng năm và những mục tiêu dài hơi vốn rất khó theo đuổi trong một môi trường kinh doanh đang có quá nhiều biến động và thay đổi?

Nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam không có mấy tư duy tạo thêm giá trị để tạo thêm lợi nhuận, mà đôi khi còn làm giá trị và chất lượng của sản phẩm vẹt mòn đi.

Muốn có một chính sách lợi nhuận bền vững thì chỉ có một lộ trình: Biến đổi công nghệ nhanh chóng, tạo thêm giá trị và chất lượng.

Chính khi làm thế thì sản phẩm của mình mới tạo ra sự đặc trưng, cho phép doanh nghiệp bán giá mình muốn. Số đông lại có tư duy ngược lại, bớt chất lượng, bớt công nghệ, bớt mọi thứ rồi bán rẻ để cạnh tranh. Ngay ý tưởng cạnh tranh đã là nguồn gốc của sự mất lợi nhuận. 

Giáo sư đã gặp và trò chuyện với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, đã quan sát và chứng kiến những chuyển động liên tục về doanh nghiệp của họ. Giáo sư có niềm tin hay có suy nghĩ gì về những đầu tàu kinh tế của Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong tương lai?

Chẳng phải nói, tôi rất quý trọng và ấn tượng với một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vingroup hay Viettel, FPT... Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang cần khẩn cấp có ai đó giúp cho việc tạo ra một "hệ sinh thái các doanh nghiệp bền vững cho đất nước". Hệ sinh thái phải bắt đầu bằng tư duy quản trị khác xưa, bỏ hẳn tính quan liêu, gia đình trị, tôn vinh mọi sáng tạo mang lại một bước tiến.

Muốn đi tới kết quả, các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp, cần bỏ vốn (khá nhỏ) để tạo một phong trào khởi nghiệp bền vững thực thụ. Hiện thời, vô số bạn trẻ có tài và ý chí chỉ cần một chút vốn và một sự hướng dẫn thiết thực là mang hết nhiệt huyết ra để khởi nghiệp. Không có hệ sinh thái tôi vừa nói trên thì các công ty khởi nghiệp sẽ sớm phá sản. Nhưng tôi nhắc lại, Việt Nam chúng ta cần phát triển mạnh về mảng này mới mong tạo được một nền phát triển bền vững.

Thử tưởng tượng Hoa Kỳ mà không có Google, Microsoft hay Apple, hoặc Trung Quốc không có Baidu hay Huawei thì giờ đây sự trù phú của họ ở đâu?

Nếu 20 năm nữa mà chúng ta vẫn chưa có gì giống như những công ty nói trên, thì tôi e rằng mình hãy quên đi vĩnh viễn những thứ như cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh... Chúng ta còn rất ít thời gian để phản ứng.

Nuôi khát vọng trường tồn bằng tư duy giá trị ảnh 2

GS Phan Văn Trường là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia như  làm việc trên 60 nước. Ông được cho là người đã giúp cho nền điện lực thế giới cấu trúc lại vào cuối những năm 1980. Ông từng hội kiến với nhiều chính khách và nguyên thủ quốc gia.

Ông từng giữ vai trò Cố vấn Chính phủ Pháp. Sau khi về hưu cuối năm 2004, ông quyết định về nước dạy học miễn phí tại Đại học Quốc gia TP.HCM và tham gia cố vấn cho nhiều tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam.

Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 2007. Cuốn sách “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị”của ông đã được vinh danh sách hay về quản trị và được tái bản nhiều lần.

Hoàng My

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục