Nước Nga dưới thời Putin đang thắng thế trước Mỹ?

Mỹ và các đồng minh có thể đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, nhưng các tin tức hiện tạo ấn tượng rằng phương Tây đang thua nước Nga đương đại của Tổng thống Vladimir Putin. 
Nước Nga dưới sự dẫn dắt của ông Putin đã thu được nhiều thành tựu đáng kể về ngoại giao. Ảnh: Sputnik. Nước Nga dưới sự dẫn dắt của ông Putin đã thu được nhiều thành tựu đáng kể về ngoại giao. Ảnh: Sputnik.

"Nga là cường quốc trong khu vực", Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố tại một hội nghị quốc tế vào tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập Crưm. Vào thời điểm đó, Washington có vẻ đánh giá thấp và coi nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh đang suy yếu, do tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ chiếm không đầy 3% GDP toàn cầu, tức xấp xỉ 1/7 của Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, nhận thức đó đã thay đổi dù tỉ lệ GDP của Nga so với toàn cầu không cao hơn. 

Tháng 12/2017, Tổng thống Putin bất ngờ có chuyến thăm căn cứ không quân của Nga ở Syria để chúc mừng binh sĩ nước này đã bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Bashar al-Assad bất chấp các mong muốn lật đổ của Mỹ.

Ngay sau đó, ông Putin lên đường tới Cairo và ký với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi một thỏa thuận trị giá 21 tỷ USD, theo đó Nga sẽ xây một nhà máy điện hạt nhân cho quốc gia châu Phi này. Tiếp theo, nhà lãnh đạo Nga đã bay tới Ankara và cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Theo ngela Stent, tác giả cuốn "Putin's World: Russia Against the West and With the Rest" (tạm dịch "Thế giới của Putin: Nga chống lại phương Tây và đồng hành cùng phần còn lại của thế giới"), ông chủ Điện Kremlin đã chứng minh Nga không thể thiếu ở Trung Đông. Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga đã tăng cường quan hệ đồng thời với cả Ảrập Xêút và Iran, hai nước đối địch nhau, cũng như Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Israel, một kẻ thù khác của Iran.

"Nga là cường quốc duy nhất có thể đối thoại với cả các nước Hồi giáo Shiite, các nước Hồi giáo Sunni và Israel", tác giả Stent bày tỏ sự kinh ngạc.

Nước Nga của Putin cũng phớt lờ cả vực sâu ngăn cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Putin đã tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Sochi hồi tháng 5/2018. Tại đây, hai nguyên thủ đã ca ngợi "quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền" giữa hai nước.

Ngay tháng tiếp theo, Tổng thống Nga công du Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "Tổng thống Putin là lãnh đạo của một đất nước vĩ đại, có ảnh hưởng khắp thế giới. Ông ấy là người bạn thân cận nhất, tốt nhất của tôi". Ông Tập nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc và Nga "nhất quyết ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau".

Điều gì đã xảy ra? Câu trả lời ngắn gọn là Nga thực sự đã có các hoạt động ngoại giao tài tình, khéo léo. Thông qua các câu chuyện cụ thể, tác giả Stent đã cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ của Moscow với mọi khu vực trên thế giới một cách khách quan nhất, không sa đà vào việc phóng đại vai trò cá nhân của Tổng thống Putin và phủ nhận đóng góp của những người tiền nhiệm ông như Mikhail Gorbachev hay Boris Yeltsin.

Theo bà Stent, Nga đã thâu tóm được vô số cơ hội, hết lần này đến lần khác do những sai lầm ngớ ngẩn hoặc sự lơ là của Mỹ. Và sức mạnh của Nga đến từ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kho vũ khí khổng lồ, việc mạnh tay đầu tư cho quân sự, buôn bán vũ khí khắp toàn cầu cùng trữ lượng hyđro-cácbon "khủng" và nhiều hoạt động táo bạo khác.

Tác giả Stent còn nhấn mạnh đến mạng lưới các mối quan hệ lâu bền Nga được thừa hưởng từ Liên Xô cũ. 

Bà Stent cũng chỉ ra mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga và Mỹ, khi Washington có những hành động mạnh mẽ nhằm đẩy lui sự ảnh hưởng của Moscow cũng như theo đuổi các lĩnh vực quan tâm chung như chống khủng bố, kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân. Dẫu vậy, bà Stent thừa nhận, 3 nỗ lực thất bại trong việc tái điều chỉnh quan hệ song phương Nga - Mỹ cho thấy, sự gắn kết cũng không hiệu quả hơn những nỗ lực cô lập.

Bà Stent lưu ý, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đối mặt với các hạn chế khi thách thức các lợi ích của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin ở khu vực Á - Âu. Việc chấm dứt đàm phán về kết nạp các nước như Ukraina hay Grudia vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được coi là một chiến thắng của ông Putin. Từ lâu, chính phủ của ông luôn phản đối việc Mỹ và phương Tây vươn tầm ảnh hưởng tới tận "sân sau" của Nga.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao kiểu Judo (môn võ thuật biến sức mạnh của đối thủ thành thế lực chống lại chính đối thủ đó) của ông Putin được tin chỉ phát huy tác dụng nếu Mỹ và các đồng minh đặt mình vào thế dễ tổn thương, chẳng hạn như việc châu Âu sử dụng chung đồng Euro mà không hợp nhất về tài chính, cuộc chiến tranh Iraq thứ hai, khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự xâm lấn của các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, giới quan sát vẫn còn hoài nghi chuyện Nga có thu được nhiều lợi ích chiến lược dài lâu từ việc gia tăng các hoạt động ở nước ngoài hay không, do các mối quan hệ đầy rủi ro giữa nước này với châu Âu và Trung Quốc.


Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục