Nước giải khát Chương Dương (CDH) trồi sụt theo nhịp đập thời vụ

Do tính chất phụ thuộc vào mùa vụ, các con số tài chính của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (CDBeco,mã CDB, sàn HoSE) vì thế cũng trồi sụt theo nhịp đập thời vụ.
Các con số tài chính của CDBeco,mã CDB, sàn HoSE trồi sụt theo nhịp đập thời vụ. Các con số tài chính của CDBeco,mã CDB, sàn HoSE trồi sụt theo nhịp đập thời vụ.

Những con số nhấp nhô

Một trong những con số chuyển động đánh chú ý đối với CDBeco là sự giảm xuống bất thường của các khoản phải thu, khi giá trị phải thu ngắn hạn tại thời điểm 30/9/2019 là 5,5 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với con số 16,6 tỷ đồng tại thời điểm 1/1/2019. Các khoản phải thu sụt giảm chủ yếu do sụt giảm mạnh từ các khoản phải thu khách hàng, với giá trị cuối quý II/2019 là 4,2 tỷ đồng, thay vì mức hơn 15 tỷ đồng hồi đầu năm.

Thông thường, các khoản phải thu khách hàng giảm có thể là một tín hiệu tích cực, thể hiện doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu tiền hàng, ít bị nợ đọng. Tuy nhiên, việc đánh giá còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế, bởi trong một số trường hợp, việc doanh nghiệp sụt giảm doanh số cũng có thể làm giảm con số phải thu theo tỷ lệ hàng bán ra bị giảm sút.

Ngoài các khoản phải thu, một chỉ số tài chính liên quan khác là hàng tồn kho cũng có sự sụt giảm. Hàng tồn kho cuối quý III/2019 của CDBeco là 13,8 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 so với con số 19,2 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu hàng tồn kho, nguyên liệu, vật liệu khoảng 6 tỷ đồng, giảm hơn 500 triệu đồng so với đầu năm; công cụ, dụng cụ gần 2,6 tỷ đồng, cũng giảm nhẹ 150 triệu đồng so với đầu năm; thành phẩm là nhóm hàng giảm nhiều nhất với giá trị tại ngày 30/9 là gần 5,5 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 50% so với thời điểm ngày 1/1/2019.

Giải mã biến động theo mùa

Việc biến động của các chỉ số tài chính cơ bản như các khoản phải thu hay hàng tồn kho luôn cần đối chiếu với doanh số trong từng thời kỳ để xác định sự phù hợp của các biến động.

Quan sát kết quả kinh doanh của CDBeco, có thể thấy, doanh thu quý III/2019 thực sự có giảm sút so với 2 quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2019 đạt 56,2 tỷ đồng, chỉ bằng 87% so với quý II và bằng 75,3% so với quý I/2019. Sự sụt giảm doanh số bán hàng như trên cho thấy, việc doanh nghiệp phải điều chỉnh kho hàng để phù hợp với tốc độ bán hàng là điều không mấy khó hiểu. Tương tự, tốc độ bán hàng chậm hơn cũng là yếu tố khách quan làm cho con số phải thu từ khách hàng cũng giảm theo.

Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm doanh thu có vẻ phù hợp với sự sụt giảm hàng tồn kho, nhưng không phù hợp lắm với sự sụt giảm quá nhanh của các khoản phải thu ngắn hạn. Xét về chủ quan, con số giảm mạnh của các khoản phải thu phần nào cho thấy kết quả thu nợ khá nhanh trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2019. Song việc đánh giá chất lượng thu nợ còn phải tham chiếu thêm một tham số nữa là các khoản phải thu khó đòi, trong khi con số này có xu hướng bị phình to lên, với giá trị thời điểm cuối tháng 9 là 1,4 tỷ đồng.

Con số nợ khó đòi này, xét về giá trị tuyệt đối cũng không lớn, nhưng cũng có xu hướng tăng so với con số hơn 800 triệu đồng hồi đầu năm. Ngoài ra, điều đáng chú ý là, số nợ khó đòi tăng lên trong xu hướng tổng giá trị phải thu giảm, nên chỉ số tỷ lệ nợ khói đòi trên tổng phải thu ngắn hạn đang cảnh báo một con số tăng vọt từ tỷ lệ chỉ hơn 4,8% cuối năm 2018 lên mức 25,5% thời điểm cuối quý III/2019.

Có thể xuất hiện biến động mới

Mặc dù doanh số của CDBeco có sự sụt giảm vào quý III/2019, kéo theo một số biến động tài chính của doanh nghiệp này, nhưng bức tranh có thể có những biến động mới khi bước vào giai đoạn đầu năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Schubert Neo, Tổng giám đốc CDBeco cho biết, theo yếu tố mùa vụ thì quý I, Công ty thường được hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trong dịp mua bán hàng mùa Tết. Nhìn lại 3 quý đầu năm 2019, CDBeco cũng có doanh số quý I cao nhất, sau đó giảm trong quý II và quý III là thời điểm mang tính chất “thấp điểm” nhất trong năm với doanh số đạt được thấp nhất.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục