Trong các nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của các NHTM có chiều hướng tăng trong 2 quý đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng vẫn ở mức cao, như Navibank (5,53%), DongA Bank (3,99%), PGBank (4,08%), SouthernBank (trên 3%).
Trong 1.000 tỷ đồng nợ xấu của Sacombank tính đến hết quý I/2014, có hơn một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) của nhà băng này cũng tăng từ 1,45% cuối năm 2013 lên 1,86% cuối tháng 3/2014.
Đáng chú ý là tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn rất khó khăn. Theo một số ngân hàng, do thủ tục phát mãi tài sản thế chấp còn nhiêu khê, nên việc xử lý nợ thu hồi tiền mặt của các NHTM hiện chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là trích lập dự phòng và bán nợ xấu cho VAMC.
Số liệu đưa ra từ NHNN chi nhánh TP. HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3/2014 giảm còn khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ; đã cơ cấu lại nợ cho 6.500 khách hàng, với số tiền đạt trên 156.000 tỷ đồng. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh với tỷ lệ hơn 74% và lĩnh vực phi sản xuất chiếm khoảng 25%.
Riêng nợ xấu bất động sản hiện còn 5.877 tỷ đồng và nợ xấu trong các khoản vay tiêu dùng là 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các NHTM lại có dấu hiệu tăng (lên 4,84%), cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2013, các TCTD trên địa bàn Thành phố đã xử lý được 33.800 tỷ đồng nợ xấu từ các nguồn như: trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 77.000 tỷ đồng; thu hồi nợ của khách hàng đạt 6.900 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC 12.300 tỷ đồng…, còn xử lý nợ bằng tiền mặt rất ít.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, việc xử lý nợ xấu của các NHTM trên địa bàn đang rất tích cực. Dự kiến năm nay, VAMC sẽ mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng từ các ngân hàng. Do đó, NHNN TP. HCM đang yêu cầu các NHTM trên địa bàn tổng hợp hồ sơ đầy đủ điều kiện, để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất, giúp ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn, đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV của VAMC, trong 6 tháng đầu năm 2014, VAMC đã mua được 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD. Nếu tính từ thời điểm bắt đầu mua nợ 11/10/2013 đến ngày 1/7/2014, tổng nợ xấu VAMC đã mua của các TCTD là 50.721 tỷ đồng.
VAMC đang chuẩn bị ký hợp đồng mua khoảng 1.200 tỷ đồng nợ gốc của VietinBank và tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành là 900 tỷ đồng. Số nợ đã bán và thu hồi được là 996 tỷ đồng; tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các TCTD cho 112 khách hàng với số tiền 9.071 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tài chính tiền tệ, việc bán nợ xấu cho VAMC được xem là giải pháp cứu cánh, nhưng nếu sau 5 năm, nếu các khoản nợ xấu đó không được xử lý triệt để, ngân hàng khó có thể trút được gánh nợ. Bởi khi đó, các khoản nợ sẽ được trả lại ngân hàng.
Trong khi việc trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC cũng chưa hẳn được các ngân hàng thực hiện một cách đầy đủ, nhất là với những ngân hàng yếu kém, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lợi nhuận âm sẽ không còn khả năng trích lập dự phòng. Như vậy, vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại và xấu hơn.
Cũng theo vị chuyên gia trên, để xử lý được nợ xấu, VAMC cũng cần phải có thị trường mua - bán nợ, cũng như cần có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, bởi việc mua - bán nợ đằng sau đó thực chất là bất động sản (phần lớn các tài sản thế chấp hiện nay là bất động sản), trong khi Luật Đất đai lại không cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản. Do đó, thị trường mua - bán nợ khó có thể hình thành như kỳ vọng.