Hạ mục tiêu lợi nhuận…
So với kế hoạch lợi nhuận năm trước, chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ thấp hơn khá nhiều. Trong đó, có ngân hàng xây dựng chỉ tiêu năm 2014 thấp hơn cả mức lợi nhuận đạt được năm 2013.
Năm 2013, Maritime Bank đạt 401 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy thấp hơn một chút so với kế hoạch 413 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng mạnh so với mức thực hiện của năm 2012 - chỉ 255 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay, Ngân hàng chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 265 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của Maritime Bank hiện đã đạt mức 8.000 tỷ đồng và nếu thương vụ sáp nhập MeKong Bank được hoàn tất trong năm nay, vốn của nhà băng này sẽ được nâng lên đến 11.700 tỷ đồng (MeKong Bank có vốn điều lệ 3.700 tỷ đồng). Năm nay, Maritime Bank đặt mục tiêu tăng thêm 6.000 tỷ đồng dư nợ so với năm rồi, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2014 được DongA Bank xây dựng ở mức 500 tỷ đồng trước thuế, thấp hơn phân nửa so với năm rồi. Sự thận trọng này, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, là do nền kinh tế còn khó khăn, hoạt động của DN vẫn đình trệ, trong khi tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với kiểm soát được chất lượng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của DongA Bank năm nay ở mức 12% và sẽ chỉ tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DNVVN. Năm 2013, tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của DongABank đạt hơn 989 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng hơn 558 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2012 và bằng 43% kế hoạch năm.
Báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2013 của SaigonBank cho thấy, dư nợ tín dụng tăng 1,85% so kế hoạch 5%; lợi nhuận trước thuế hơn 228 tỷ đồng, vượt 2,75% kế hoạch điều chỉnh; nợ xấu 2,24%. Năm 2014, SaigonBank dự kiến tăng thêm 920 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 12,5%; huy động vốn tăng 6,5%; dư nợ cho vay tăng 5%; lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, chỉ cao hơn 2 tỷ đồng so với mức đạt được năm rồi.
Cũng khá thận trọng trước triển vọng thị trường còn nhiều khó khăn, NamA Bank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn mức đạt được của năm rồi chưa tới 30 tỷ đồng: 210 tỷ đồng so với 183 tỷ đồng.
Đặc biệt với Southern Bank, năm 2013, Ngân hàng đạt 18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 3,2% mục tiêu (560 tỷ đồng). Lợi nhuận giảm mạnh là do nợ xấu tăng nhanh nên phải trích dự phòng nhiều. Đến cuối năm 2013, Southern Bank có 1.605 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,7% tổng dư nợ và tăng 288 tỷ đồng so với cuối 2012, cho dù tín dụng của ngân hàng này đến cuối năm 2013 giảm 4,44% so với cùng kỳ 2012. Năm 2014, Southern Bank đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng 1.900% lên 360 tỷ đồng. Còn nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 5%. Tuy nhiên, do Southern Bank đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục sáp nhập với Sacombank và khả năng thương vụ này sẽ được hoàn tất trong mùa hè năm nay nên chỉ tiêu trên cũng chỉ để tượng trưng.
… do nguy cơ trích lập dự phòng tăng
Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận các ngân hàng xây dựng cho năm nay ở mức khá thấp so với năm 2013, song lãnh đạo các nhà băng thừa nhận, để đạt được chỉ tiêu này trong bối cảnh thị trường năm 2014 còn khó khăn là không đơn giản.
Sacombank là điển hình, cho dù năm qua đạt mức lợi nhuận 2.800 tỷ đồng trước thuế, hoàn tất kế hoạch đưa ra, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận 2014 của Ngân hàng chỉ cao hơn 200 tỷ đồng. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, kết thúc quý I/2014, Sacombank đạt 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nếu bình quân mỗi quý đạt được mức trên và kỳ vọng nhiều nhất vào 2 quý cuối năm thì khả năng Sacombank hoàn thành kế hoạch là khá cao. Tuy nhiên, theo ông Khang, đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được điều gì, bởi hoạt động kinh doanh của Ngân hàng vẫn có những khó khăn nhất định, tăng trưởng tín dụng vẫn khó có thể đạt như kỳ vọng, 13%. Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% và tiếp tục xem xét bán nợ xấu cho VAMC, sau khi đã bán hơn 1.000 tỷ đồng trong năm qua.
Bên cạnh khả năng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay thu hẹp dần cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng có thể giảm.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc quý I/2014, ACB chỉ đạt 303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế do Ngân hàng phải trích lập dự phòng ngay từ quý này, thay vì để dồn đến quý IV như những năm trước, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động. Lợi nhuận trước thuế năm qua của ACB đạt 1.035 tỷ đồng, chỉ đạt 58% kế hoạch cả năm. Theo Ngân hàng, lợi nhuận giảm do các khoản thu nhập từ lãi giảm mạnh, cùng với dự phòng rủi ro gia tăng. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2013 của ACB đạt 107.200 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm 2013, song Ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro 855 tỷ đồng, trong khi năm 2012 chỉ là 521 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản thu nhập từ lãi giảm 2.458 tỷ đồng do lãi suất cho vay liên tục giảm theo thị trường và việc kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng không thuận lợi. Vì thế, lợi nhuận còn lại sau dự phòng của ACB chỉ còn hơn 665 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ACB đặt ra cho năm nay cũng chỉ ở mức 1.189 tỷ đồng, không cao hơn nhiều so với mức đạt được năm rồi.
Sở dĩ mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay chỉ bằng năm rồi và kết quả hoạt động quý I tương đối thấp, theo ACB, là do triển vọng kinh doanh năm 2014 chưa chắc khả quan khi nền kinh tế vẫn phục hồi chậm, nợ xấu chưa có giải pháp đủ mạnh để xử lý, các chuẩn mực hoạt động ngân hàng được nâng lên theo một loạt quy định mới của NHNN. Trong bối cảnh này, định hướng hoạt động của ACB là giải quyết các vấn đề tồn đọng, củng cố nền tảng hoạt động và tiếp tục khôi phục dần quy mô hoạt động, hạn chế nợ xấu. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của ACB đưa ra cho năm nay ở mức 3% và tiếp tục rà soát để bán nợ xấu cho VAMC thời gian tới.
Maritime Bank cũng xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 thấp hơn gần phân nửa mức đạt được của năm rồi, nhưng khoản dự phòng dự kiến của Ngân hàng trong năm nay cần đến 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ còn 265 tỷ đồng. Lý do của sự thận trọng này tương tự như của các ngân hàng khác.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, trước tình hình thị trường chưa hết khó khăn, nợ xấu tăng, ngân hàng buộc phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng. Vì thế, lợi nhuận đạt được sẽ giảm là điều khó tránh khỏi. Năm qua, không ít ngân hàng đã trích dự phòng ngang bằng lợi nhuận đạt được và thậm chí còn cao hơn, như OCB trích dự phòng rủi ro ngang bằng mức lợi nhuận trước thuế đạt được năm qua là 320 tỷ đồng, hay SCB đã phải trích đến 3.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong 2 năm tái cấu trúc vừa qua… Ông Dũng cho rằng, dù đã đưa ra mục tiêu lợi nhuận khá thận trọng, nhưng các ngân hàng cũng không dễ đạt được.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |