1
Đưa doanh nghiệp từ bờ vực phá sản thành cánh chim đầu đàn của ngành dược Việt Nam, bởi vậy dấu ấn của bà Nga tại DHG rất sâu đậm. Ở tuổi 63, kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT Công ty đầu năm 2014, bà tính chuyện nghỉ hưu, song theo đề nghị của các cổ đông, bà đã đảm nhận ghế CEO trở lại.
DHG đang chuyển mình, với nhà máy mới, chiến lược kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức phân quyền, phân nhiệm mới… Bởi vậy doanh nghiệp cần bước đệm để đội ngũ kế thừa đã và đang quy hoạch tại DHG tiếp cận dần dần điều hành Công ty vững vàng hơn.
DHG hiện nay khác xa so với 5 năm trước. Thời đó, nền kinh tế có diện mạo khác, thu nhập người dân ổn định, sử dụng dược phẩm nhiều hơn, thuốc nội được sử dụng nhiều, các quy định để đưa thuốc vào hệ điều trị không khó khăn, đặc biệt là thuốc ngoại ít và thực phẩm chức năng hầu như chưa xuất hiện.
Thời đó, quy mô và áp lực với DHG cũng khác xa bây giờ, Công ty mới có trên 1.000 nhân sự; doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn nay, phía sau DHG là trên 3.000 lao động, quy mô doanh thu tăng gấp 4 lần so với trước, nhà máy mới đầu tư 800 tỷ đồng chuẩn bị đi vào hoạt động, đòi hỏi doanh nghiệp phải khấu hao, phải có chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường… DHG thay đổi, thị trường thay đổi, nền kinh tế thay đổi, CEO chắc chắn phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi “đón đầu”.
Với một nữ tướng như bà Nga, người ngoài nhìn thấy những rào cản đến từ tuổi tác, từ kinh nghiệm và truyền thống mà bà đã trưởng thành. Bà là người dạn dày trong ngành dược, là một nhà quản lý thành công đã ba bốn chục năm nay, chắc bà rất tự tin không cần học hỏi ai. Hơn nữa, bà đi lên từ cách mạng, từ quá khứ hào hùng, sẽ khó có thể thay đổi.
Nhưng thực tế, doanh nhân Việt Nga lại là người chịu thay đổi có thể nói thuộc hàng nhiều nhất trong các doanh nhân Việt. Bà liên tục học, từ trường lớp bài bản, đến học qua sách báo, truyền hình, chỗ nào có hội thảo hay là bà đăng ký tham gia, học để thu nhận kiến thức, chứ không vì bằng cấp, đang là tiến sỹ dược, bà quay qua đăng ký học thạc sỹ quản trị kinh doanh. Đây cũng là nữ doanh nhân hiếm khi có mặt ở văn phòng. Trở lại ghế Tổng giám đốc vào tháng 5, từ tháng 6 đến nay, bà đi suốt.
“Chính khách hàng, thị trường, người tiêu dùng dạy mình phải thay đổi. Gặp họ, mình mới phát hiện được những điều bất hợp lý trong chiến lược, chính sách mình đang áp dụng. Lắm khi có quyết định vừa ban hành, nay phải sửa, có người hỏi làm CEO như vậy có 'quê' với nhân viên không? Đối với mình, mỗi lần thay đổi lại thấy mình lớn lên một chút và rất mừng là nhân viên DHG luôn chấp nhận sự thay đổi”, bà kể.
Theo nhận xét của nhân viên trong Công ty, bà Nga còn dễ chấp nhận cho cấp dưới đề xuất ý kiến. Bà bảo cái nào mình không đồng ý, phải phân tích cho người ta hiểu, thậm chí có những lúc, bà chưa định hình được rõ ràng, song vẫn chấp nhận cho cấp dưới làm, khi họ thất bại không bị sếp rầy la, mà coi đó là bài học để rút kinh nghiệm và thấm thía học hỏi.
Đảm nhận ghế nóng trở lại, bà Nga đang ưu tiên và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp (tái cấu trúc tổ chức, quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống quy trình - quy chế); phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác để gia tăng tốc độ phát triển của DHG. Việc không ít và cũng không đơn giản với một nữ doanh nhân dù dạn dày kinh nghiệm.
2
DHG đang có những bước chuyển mình để không chỉ là doanh nghiệp đầu ngành trong nước, mà còn vươn tầm ra khu vực. Thị trường Myanmar được coi là một cứ điểm quan trọng để Công ty chứng tỏ bản lĩnh.
Nếu như trước đây, DHG có xuất khẩu nhưng làm theo kiểu khách hàng cần gì, công ty xuất hàng tương ứng, thì nay, chiến lược vươn ra biển lớn của doanh nghiệp hoàn toàn khác. Bà Nga và các cộng sự sẽ làm marketing và bán thuốc theo kiểu dược Hậu Giang. Đó là đào tạo, phổ cập kiến thức sử dụng thuốc an toàn, xây dựng, thiết lập hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn tại Myanmar, rồi mới tính chuyện phân phối.
Tại Việt Nam, hầu như không thấy DHG xuất hiện quảng cáo trên truyền hình trong khi các đối thủ có tần suất dày đặc. Bà Nga chia sẻ, DHG cũng rất muốn lên truyền hình, nhưng hiện giá thành và giá bán các sản phẩm DHG không chênh lệch bao nhiêu, nay quảng cáo nhiều, chắc chắn phải đổ gánh nặng lên vai người tiêu dùng, bên cạnh đó chính sách cho khách hàng cũng ít đi.
Cách chăm sóc khách hàng của DHG cũng rất lạ, mỗi năm, DHG tổ chức chuỗi hội nghị khách hàng trải dài từ Nam ra Bắc, mỗi tỉnh, thành phố một ngày. Chương trình có văn nghệ, tri ân, chia sẻ nhưng tịnh không có giới thiệu sản phẩm mới. Cán bộ DHG thiết kế, viết kịch bản, đọc lời bình, hát múa…và đặc biệt trong mỗi buổi tiệc đãi khách, kiểu gì cũng có món bánh xèo do chính tay các đầu bếp DHG phục vụ. Không phải bà Nga và DHG tiết kiệm tiền, mà muốn tự tay làm ra những chiếc bánh mang đậm khẩu vị sông nước miền Tây để đãi khách.
Trong hành trình của mình, bà Nga và DHG biết rõ điểm yếu của doanh nghiệp cũng như cả ngành dược Việt Nam nói chung, đó là thiếu sản phẩm có công thức chuyên biệt. DHG đang làm nhiều việc để thay đổi thực tế này. Công ty đã đầu tư phát triển các nhãn hàng có công thức chuyên biệt như: Naturenz (công nghệ sinh học, lên men các loại rau củ, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan), Spivital (từ nguồn nguyên liệu tảo Spirulina tự sản xuất độc quyền, chủ động hoàn toàn về nguyên liệu), Eyelight Vita (sản phẩm thuốc nhỏ dưỡng mắt đầu tiên tại Việt Nam chứa 3 loại vitamin B), NattoEnZym (độc quyền nguyên liệu Nattokinase của Nhật).
Định hướng lâu dài của Công ty là phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học, sản phẩm có hàm lượng khoa học hiện đại, đã được nghiên cứu, chứng minh, kiểm nghiệm chất lượng.
Con đường đầu tư cho R&D không đơn giản, bởi vậy, DHG chọn cách liên kết nghiên cứu với các viện, trường, chuyển giao đề tài, mua công thức độc quyền… Trong cuộc gặp bà Nga, tôi cũng được giới thiệu chủ của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về Naturenz. Bộ Y tế mới đây đã cấp chứng nhận lâm sàng cho công trình này, đồng nghĩa với việc, DHG và các nhà khoa học có thể nhanh chóng phổ cập sản phẩm trên thị trường.
Việt Nam vốn nổi tiếng về các bài thuốc dược liệu, chất xám của các nhà khoa học đưa vào các công trình nghiên cứu cũng không ít, có sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu như DHG sẽ kết nối, đưa những con số trên giấy, những thử nghiệm khô khan… thành dược phẩm có lợi, giá thành hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Tôi đã đọc những quy định về cơ chế chuyển giao những công trình khoa học như vậy, phức tạp và lắm rào cản, bởi vậy đây là hướng đi có triển vọng, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, chấp nhận chi phí và thời gian, khác với bỏ tiền làm ra những sản phẩm ai cũng có thể chiết xuất được.
3
Say sưa nói về nghề, bà Nga cũng không ngại nói về sự chuyển giao thế hệ, về những người sẽ kế nghiệp bà tại DHG. Bà bảo, thế hệ mình là những người xây dựng DHG, còn thế hệ trẻ sẽ làm rạng danh DHG cả trong nước và quốc tế. Hệ thống quản trị đã được xây dựng vững mạnh, với bản sắc văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn, sứ mạng rõ ràng, để DHG không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Cả tháng nay, bà Nga rong ruổi trên các cung đường, cả tuần rồi bà cũng không gọi điện về doanh nghiệp. Có thể yên tâm như vậy bởi ở nhà, những cộng sự của bà điều hành công việc trơn chu và cỗ máy cứ ro ro chạy.
“DHG có những người đã có thể thay tôi điều hành doanh nghiệp rất tốt nhưng mọi người chưa biết. Năng lực của họ đã được chứng minh từ xây dựng chiến lược đến điều hành, uy tín nội bộ cũng rất cao và được đồng nghiệp vị nể”, bà Nga kể.
Giờ bà hầu như không phải trực tiếp xây dựng các chiến lược mà chỉ nghe báo cáo, phản biện, và đóng góp chính sách là chính. Đội ngũ lãnh đạo kế cận được bà dìu dắt, đào tạo hàng chục năm qua nay đã vững vàng để đưa DHG tiến ra biển lớn.
Với sự xuất hiện của nhiều tân binh, cũng như các hãng dược tên tuổi nước ngoài, thị trường nhân sự ngành dược, đặc biệt nhân sự cấp cao đang cạnh tranh khốc liệt, tình trạng chảy máu chất xám diễn ra phổ biến với các doanh nghiệp trong nước. Song người ta không thấy DHG không rơi vào tình trạng này. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đã gắn bó với doanh nghiệp hàng chục năm, còn bộ phận nhân viên, nếu hỏi ai đã gắn bó với doanh nghiệp 5-7 năm, bà Nga bảo, “chắc bạn sẽ bắt gặp một rừng cánh tay”.
Thuật dùng người của bà Nga không có gì cao siêu, bà đối xử với họ chân tình như người trong gia đình. Lương thưởng phải đảm bảo mức cạnh tranh, nhưng quan trọng hơn là tạo cơ hội cho nhân sự được đào tạo ngày càng giỏi và được tỏa sáng. Không chỉ người lao động xuất sắc được tưởng thưởng, con em họ thỉnh thoảng được tham dự các sự kiện đặc biệt như trại hè Singapore, Thái Lan… để có trải nghiệm đặc biệt, người không may mắc bệnh hiểm nghèo được Công ty lo hỗ trợ chi phí chữa bệnh…
Có lẽ ở bất cứ vai trò, vị trí nào ai cũng được ghi nhận, nên ở DHG không có ai là ngôi sao, không có nhóm ngôi sao. Hầu như không có chính sách lương thưởng, cổ phiếu ưu đãi đặc biệt nào dành cho một nhóm người. Gia nhập DHG, trẻ hay già vào đều tâm huyết, dấn thân, bởi trong một tập thể ai cũng lao lên làm thì đứng yên có nghĩa là chấp nhận tụt hậu. Cống hiến và trung thành, đầy nhiệt huyết, ý chí chính là ngọn lửa nữ tướng DHG đã thổi bùng và giữ được trong lòng doanh nghiệp.
Lăng kính Phạm Thị Việt Nga Đảm nhận trở lại ghế CEO trong bối cảnh doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức, bà xác định cho mình một tâm thế như thế nào? Dù ở vị trí nào tôi cũng làm việc hết sức mình, cùng với mọi người vượt qua thử thách để DHG luôn giữ vững vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam. Chắc chắn có lúc nào bà thấy mệt mỏi. Khi đó, động lực nào giúp bà vượt lên? Có chứ (cười). Việc giữ vững vị thế dẫn đầu trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt luôn tạo áp lực đối với tôi và Ban điều hành. Tuy nhiên, niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, kỳ vọng của nhà đầu tư và đặc biệt là việc phải làm sao để có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động luôn là động lực thúc đẩy tôi và Ban điều hành phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa. Ở không ít doanh nghiệp Việt, cái bóng của người đi trước quá lớn, bao trùm lên cả hệ thống. Bà nhìn nhận việc đào tạo, trao quyền cho thế hệ trẻ như thế nào? Sự thành công của DHG là kết tinh trí tuệ của nhiều người, từ người lao động, đội ngũ điều hành đến khách hàng, cổ đông và sự ủng hộ của các đối tác. Tôi chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Mọi người nhìn nhận cao vai trò của tôi có thể do tôi có điều kiện được tiếp xúc và chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Bà có cảm nhận gì về thế hệ doanh nghiệp trẻ thời nay? Bà mong ước về một DHG trong tương lai thế nào? Nhạy bén, năng động, có trình độ chuyên môn. Có nhiều cơ hội tiếp cận với sự phát triển của khoa học công nghệ. Được học tập, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nếu truyền lại cho thế hệ doanh nhân trẻ, thì tôi chỉ nhắn nhủ rằng, hãy làm bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi mong muốn DHG sẽ trở thành một doanh nghiệp dược ngang tầm với các doanh nghiệp dược trong khu vực châu Á. DHG cũng đang có những bước chuẩn bị cho giai đoạn chuyển mình như: xây dựng nhà máy mới nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư nghiên cứu phát triển, tái cấu trúc hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác lợi thế hệ thống phân phối, mở rộng quan hệ hợp tác, thuê tư vấn tái cấu trúc công ty. |