CEO Dược Hậu Giang trước áp lực dẫn đầu

(ĐTCK) Trở lại ghế điều hành DN dược lớn nhất Việt Nam sau 2 năm chuyên tâm cho việc hoạch định chiến lược, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (DHG) có nhiều việc phải làm.
CEO Dược Hậu Giang trước áp lực  dẫn đầu

Sự kiện bà Nga trở lại nắm ghế CEO DHG, đồng thời, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm ghế Chủ tịch trong nhiệm kỳ mới được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi trước đó, bà đã đảm nhận ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty gần 10 năm. Chia sẻ với ĐTCK, bà Nga nói rằng “đây là bước đầu điều hành nội bộ trong giai đoạn: DHG đang chuyển mình đổi mới, nhà máy mới, chiến lược kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức phân quyền, phân nhiệm mới… Đây cũng là thời gian để đội ngũ kế thừa đã và đang quy hoạch tại DHG tiếp cận dần dần, điều hành Công ty vững vàng hơn.

Thách thức ngôi vương

Năm 2013, DHG đạt doanh thu thuần 3.527 tỷ đồng, tăng 20,34% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 539 tỷ đồng, tăng 20,75% so với cùng kỳ. Trong 5 năm qua, doanh thu của DN tăng trưởng bình quân 19,22%, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 13,12%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của ngành, giúp DHG duy trì vị thế đầu ngành trong số các DN dược Việt Nam và giữ vị trí thứ 3 sau 2 tập đoàn lớn của thế giới tại thị trường dược phẩm Việt Nam là Sanofi Group và GlaxoSmithKline Group. Tuy nhiên, ngôi vị này, theo giới quan sát, đang gặp không ít thách thức.

Trước hết, với khả năng tài chính (DHG hiện có vốn điều lệ 653,7 tỷ đồng) và quy định DN chỉ được chi tối đa 15% doanh thu cho quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị, DHG khó có khả năng đương đầu với những DN tư nhân có vốn lớn và các tập đoàn nước ngoài. Nguy cơ mất khách hàng, thị phần trong điều kiện cạnh tranh gay gắt và sự gia nhập ngành của các DN mới đầu tư lớn cho chi phí marketing, quảng cáo… đang ngày một hiện hữu.

Chưa cần tìm đâu xa, hiện đã có thể nhìn thấy rõ một số DN dược trong nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như Traphaco, ICA… có khả năng bắt kịp DHG trong những năm tới nếu Công ty không có sách lược mới.

Thách thức lớn hơn còn nằm ở chỗ: thị trường dược đang chuẩn bị mở cửa hoàn toàn. Theo quy định của AFTA và WTO, kể từ năm 2017, các DN châu Á, châu Âu và Mỹ sẽ tham gia thị trường dược phẩm Việt Nam với thuế suất bằng 0%, trong khi tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt vẫn rất phổ biến.

Năm 2013, Thông tư 01 của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc trong bệnh viện đang có tác động mạnh, làm giảm doanh thu hệ điều trị của DHG và ảnh hưởng đến hệ thương mại. Cụ thể, doanh thu quý I vừa qua của Công ty đã giảm 6% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận gần như không tăng trưởng.

Về mặt chủ quan, DHG cũng như các DN Việt Nam khác đang thiếu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, công thức riêng biệt. Phân tích cơ cấu doanh thu của Công ty năm 2013 có thể thấy, 91,6% đến từ dược phẩm, thực phẩm chức năng chiếm 8,38%. Đáng chú ý, 2 nhãn hàng có tỷ trọng doanh thu đóng góp trên 10% gồm Hapacol chiếm 16,7% và Klamentin 13,2% thì trên thị trường đều có các sản phẩm cùng chủng loại. 3 ngành hàng có tỷ trọng doanh thu lớn nhất của DHG gồm ngành kháng sinh 38,1%, ngành giảm đau hạ sốt 18,7%; ngành hô hấp 12% đều là những ngành hàng đang có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

DHG có hiệu quả kinh doanh cao nhưng chỉ tập trung ở công ty mẹ, đóng góp từ các công ty con, công ty liên kết chỉ đạt mức thấp. Đơn cử, DHG có tổng cộng 18 công ty con và 1 công ty liên kết, nhưng tất cả, trừ DHG Travel có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 3,9% vào năm 2013, đều giảm lợi nhuận sau thuế. Trong số đó, SH Pharma là DN có lợi nhuận lớn nhất, đạt chưa đầy 9 tỷ đồng, DHG sở hữu 51%.

Những con đường mới

Trong bản tin mới nhất dành cho gần 1.000 người đại diện là lãnh đạo các DN có vốn do SCIC quản lý, có một đoạn nói về việc chuyển đổi của nữ tướng DHG. Đưa bà Nga trở lại ghế điều hành, cổ đông lớn nhất của DN này kỳ vọng, bà sẽ dẫn dắt DN bước trên những con đường mới, tạo điều kiện thành công chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm xứng đáng (bà Nga đã đến tuổi nghỉ hưu- PV).

Trên thực tế, bà Nga và các cộng sự đã sớm nhìn thấy rất rõ những điểm yếu của DHG và đã bắt tay vào việc thay đổi. Năm 2013, DHG thực hiện một loạt chính sách mới trong cung cách phân phối hàng, chia thành các nhóm ngành hàng chuyên biệt thay vì “bán hội đồng” như trước kia; gắn chặt lương thưởng của người lao động với thành tích bán hàng và thu hồi công nợ…

Trước khi Thông tư 01 có hiệu lực, DHG đã có định hướng tập trung phát triển hệ thương mại. Kết quả là, 5 tháng đầu năm 2014, hệ thương mại đã tăng trưởng mạnh (22%) để bù đắp phần ảnh hưởng giảm của hệ điều trị do ảnh hưởng của Thông tư 01. 

DHG cũng đã đầu tư phát triển các nhãn hàng có công thức chuyên biệt như: Naturenz (công nghệ sinh học, lên men các loại rau củ, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan), Spivital (từ nguồn nguyên liệu tảo Spirulina tự sản xuất độc quyền, chủ động hoàn toàn về nguyên liệu), Eyelight Vita (sản phẩm thuốc nhỏ dưỡng mắt đầu tiên tại Việt Nam chứa 3 loại vitamin B), NattoEnZym (độc quyền nguyên liệu Nattokinase của Nhật với 3 bằng chứng nhận chất lượng của Nhật, 2 bằng chứng nhận của Mỹ). Định hướng lâu dài của Công ty là phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học, liên kết nghiên cứu với các viện trường, chuyển giao đề tài, mua công thức độc quyền.

Năng lực sản xuất của DHG sau khi có nhà máy mới (dự kiến vào cuối năm 2014) sẽ tăng lên gấp đôi, trong khi hiện nay, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm tới 98,9%, DHG đã tính đến chiến lược dài hơi: xuất khẩu. Bà Nga chia sẻ rằng, với những khó khăn và thách thức của thị trường trong nước, và thực tế ngành dược Việt Nam trong những năm sắp tới, khi các tập đoàn, công ty nước ngoài được thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam theo quy ước hội nhập WTO, con đường duy nhất để chủ động phát triển là mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn hơn về marketing cũng như nguồn nhân lực. Với quan điểm “lấy ngắn nuôi dài”, hiện DHG đang tập trung đầu tư cho chiến lược xuất khẩu dài hạn.

Trong chiến lược của mình, M&A là một trong những giải pháp DN sẽ thực hiện để tăng tốc. Đơn cử, DHG đã có kế hoạch mua lại 72,86% cổ phần của CTCP Dược phẩm Ánh Sao Việt với giá trị 91 tỷ đồng nhằm tăng doanh thu thị phần, mở rộng hệ thống xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư 51 tỷ đồng xây dựng hệ thống kho trung chuyển trung tâm vùng… Để tăng khả năng cạnh tranh, DHG cũng đặt mục tiêu tung ra thị trường trên 20 sản phẩm/năm, tạo thêm đặc tính và công năng của sản phẩm.

Tại ĐHCĐ mới đây, DHG đã công bố kế hoạch phát triển 5 năm tới, trong đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, từ 16 - 19%/năm. Với triển vọng tiếp tục tăng trưởng, thị giá cổ phiếu duy trì ở mức cao, các nhà đầu tư tin tưởng, DHG có thể dễ dàng thu hút vốn và có thặng dư vốn cổ phần cao thông qua việc phát hành cổ phiếu. Câu chuyện vốn để tăng trưởng và mở rộng kinh doanh đối với DHG không quá khó, tuy nhiên, bài toán nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao sẽ cần những lời giải thận trọng.

DHG đã xây dựng nền tảng định hướng thống nhất với tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa riêng. Đây sẽ là kim chỉ nam cho mọi thế hệ lãnh đạo. Dựa trên nền tảng đó, đội ngũ kế thừa của DHG sẽ tiếp tục dẫn dắt DHG phát triển. Áp lực và thách thức là có, nhưng ưu điểm của đội ngũ kế thừa trẻ tuổi lại chính là sự năng động, táo bạo. Khó khăn lớn nhất đối với DHG không phải ở chỗ chưa có đội ngũ kế thừa tài giỏi, đủ bản lĩnh mà là cần có thêm thời gian để tạo niềm tin với đối tác, cổ đông, nhà đầu tư (bởi bà Nga đã thể hiện quá xuất sắc trong thời gian dài).

Từng được Forbes vinh danh là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà Nga đã quay trở lại vị trí CEO, một mặt để điều hành trực tiếp, giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, mặt khác để đội ngũ kế thừa có thêm thời gian để thể hiện năng lực, bản lĩnh cá nhân. Vai trò và sự sáng tạo của bộ phận quản lý cấp trung và nhân viên DHG, cộng với quan điểm quản trị đề cao vai trò tập thể, có lẽ là cơ sở để cổ đông và nhà đầu tư tin tưởng rằng, DHG sẽ có những cuộc chuyển giao quyền lực thành công, giúp cho Công ty tiếp tục phát triển và giữ vững vị thế.  

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục