Trong đó, NT2 có mức tăng ổn định 31%, PPC tăng thấp hơn với 8%, còn BTP tăng đột biến 60%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, NT2 chốt giá 33.200 đồng/CP, BTP ở mức 16.700 đồng/CP và PPC là 18.800 đồng/CP. Điều này cho thấy, dù có mức tăng đột biến trong thời gian qua, song cổ phiếu BTP khó lòng “đuổi” kịp NT2 về thị giá.
Trong khi đó, thời tiết khô hạn kéo dài và khắc nghiệt nhất trong vòng 40 năm qua do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino đã làm nhiều hồ chứa ở trong tình trạng “mực nước chết”, khiến thủy điện rơi vào tình thế bất lợi, song đó lại là lúc nhiệt điện khẳng định lợi thế.
Theo báo cáo tháng 3/2016 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO), có 15 trong số 51 nhà máy thủy điện rút khỏi thị trường điện. Trung bình công suất của thủy điện đóng góp 40,4% toàn thị trường điện, nhưng năm 2015 chỉ còn 20% do không đủ nước để phát điện.
Tại Việt Nam, thị trường điện gồm các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và phong điện. Theo Quy hoạch điện VII (quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt), sau năm 2017, sẽ hạn chế đầu tư thủy điện (kể cả nhà máy nhỏ). Điện than được sử dụng như một giải pháp tình thế vì ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Phong điện (điện gió) mới đầu tư được 10% trong tổng số các dự án đăng ký, nhưng vì tỷ suất đầu tư quá cao, nên điện gió mất đi khả năng cạnh tranh và nhiều dự án điện gió vẫn mãi nằm trên giấy. Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã phải dời kế hoạch xây dựng sang năm 2020 (chậm 6 năm) sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) để rà soát và đánh giá lại.
Trong điều kiện đó, nhiệt điện tại Việt Nam cho thấy nhiều lợi thế, nhất là khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất là thủy điện đã đánh mất ưu thế. Đó chính là lý do giá cổ phiếu của nhóm ngành nhiệt điện tăng mạnh trong thời gian qua.
Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2
Cùng nằm trong nhóm ngành nhiệt điện, nhưng mỗi nhà máy lại có điều kiện tương đối khác biệt. NT2 mới đi vào vận hành hơn 4 năm, được ví như “cô gái đang tuổi xuân thì”, hiệu suất nhiệt trên 57%, cao nhất trong các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó, BTP được đưa vào sử dụng từ những năm 1992 đã ở giai đoạn “già”, hiệu suất giảm. Hệ thống máy móc BTP ít được sử dụng khi giá dầu cao. Tại báo cáo tài chính quý IV/2015 của BTP, hiện tài sản cố định của BTP chỉ còn 75,6 tỷ đồng/2.367 tỷ đồng, tức số khấu hao đã được hạch toán là 2.291 tỷ đồng.
Như vậy, hệ thống sản xuất điện của BTP đã vào cuối chu kỳ kinh doanh. Hơn nữa, quan sát dòng tiền của BTP cho thấy, hoạt động đầu tư của BTP chủ yếu là đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác, chứ không phải đầu tư vào hệ thống sản xuất điện hiện tại. Năng lực sản xuất của BTP sẽ là vấn đề khi những yếu tố có lợi không còn.
Dù vậy, tính từ đầu năm 2016, giá cổ phiếu của BTP vẫn tăng từ 11.000 đồng/CP lên 16.700 đồng/CP (giá chốt phiên giao dịch ngày 31/3).
Mặc dù nằm trong chỉ số VN30 với tổng vốn hóa thị trường hơn 8.590 tỷ đồng, song PPC lại không được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, lợi nhuận của PPC chỉ còn 565 tỷ đồng so với năm 2014 là 1.054 tỷ đồng, tức giảm hơn 46%. Sở dĩ lợi nhuận năm 2015 giảm đáng kể là do PPC vay yên Nhật, chênh lệch tỷ giá thực hiện và đánh giá lại nợ vay ngoại tệ cuối kỳ lỗ 283 tỷ đồng, trong khi năm 2014 khoản chênh lệch tỷ giá được ghi nhận lãi 594 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PPC còn phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính là 329 tỷ đồng.
Dù nằm trong nhóm cổ phiếu nhiệt điện, nhưng NT2 và BTP sử dụng nhiên liệu khí. Việc giá khí giảm mạnh 70% trong năm qua, giúp chi phí sản xuất của 2 doanh nghiệp này thấp hơn so với PPC sử dụng than.
Hiện nay, NT2 là nhà máy điện có chi phí sản xuất bình quân thấp nhất nhờ kết hợp được nhiều lợi thế.
Về công nghệ, NT2 có công suất thiết kế 750 MW là nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam được vận hành tự động trên hệ thống điều khiển SPPA-T3000. Đây là hệ thống điều khiển tiên tiến nhất của Tập đoàn Siemens (Đức). Với công suất lớn và công nghệ tiên tiến, NT2 là nhà máy nhiệt điện hiện đại nhất Việt Nam. Chính vì thế, chi phí nhân công của NT2 thấp hơn nhiều lần so với PPC và BTP. NT2 hiện có 186 người lao động, trong khi con số này của PPC lên đến cả ngàn người. Nhà máy của NT2 được xếp vào mô hình lý tưởng của ngành điện mà thế giới đang áp dụng.
Về thị trường, NT2 là đơn vị tham gia mạnh mẽ vào thị trường điện, giá điện cạnh tranh do giá chi phí thấp hơn giá huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong khi đó, PPC bị cạnh tranh với các thủy điện tại phía Bắc có thể bán điện với giá 0 đồng/kWh, còn BTP không tham gia thị trường điện, mà phải bán theo giá EVN quy định trong hợp đồng.
Về tài chính, kết thúc năm 2015, NT2 đã thanh toán được khoảng một nửa khoản vay. Các khoản vay của NT2 chủ yếu là euro và USD nên dễ cân bằng hơn và giảm ảnh hưởng biến động tỷ giá.
Ngày 7/4 vừa qua, NT2 đã có thông báo chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức 4% và thanh toán cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 13%.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về con số lợi nhuận 728 tỷ đồng cho năm 2016 là khá khiêm tốn khi NT2 đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, TS. Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc NT2 thừa nhận: “Đây là kế hoạch thận trọng mà Công ty đề ra”.
Trên thực tế, lợi nhuận của NT2 nhiều khả năng vượt xa mức dự kiến, khi doanh thu được tính dựa trên giá dầu khoảng 60 USD/thùng, trong khi giá dầu hiện khoảng 40 USD/thùng. Giá khí trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm xuống còn hơn 3 USD/triệu BTU. Nguyên liệu đầu vào giảm góp phần làm tăng lợi nhuận là điều thấy rõ ở NT2.
Năm 2015, NT2 đặt mức chia cổ tức 15% nhưng thực tế, cổ tức của đơn vị này đã chia đến 26%. Như vậy, với mức chia cổ tức dự kiến là 20% trong năm 2016, nhiều khả năng cổ tức sẽ còn được chia cao hơn.
Thật vậy, kết thúc quý I/2016, doanh thu bán điện của NT2 ước đạt 1.376 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 312 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ trong một quý, lợi nhuận của NT2 ước hoàn thành 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Với nhiều lợi thế vượt trội, NT2 đang dẫn dắt nhóm cổ phiếu nhiệt điện. Nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu nhiệt điện “tạo sóng” trên thị trường chứng khoán được bắt nguồn từ sức hấp dẫn của NT2. Khi NT2 đầu tư nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 mở rộng, thì giá cổ phiếu của NT2 hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.