Nộp thuế thay người bán, sàn thương mại điện tử kêu khó thực hiện

(ĐTCK) Theo các chuyên gia và đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), việc kê khai thay và nộp thuế thay có thể tạo nhiều rủi ro cho bên thứ ba là sàn thương mại điện tử, đồng thời tạo ra nhiều gánh nặng và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đi ngược với tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế số của Chính phủ.
Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngày 17/10/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý thuế. Trong đó, Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT)… Những sửa đổi này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, đối với Dự thảo Luật Quản lý thuế, đặc biệt về quy định các sàn giao dịch TMĐT phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 2 điều kiện tiên quyết phải được xét đến đầu tiên để đảm bảo tính hợp lý và khả thi của quy định này: Thứ nhất, xác định rõ ràng sắc thuế, mức thuế và đối tượng nộp thuế khả thi đối với việc các sàn có thể khấu trừ và nộp hộ. Thứ hai, xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, quản lý tập trung, cùng với phần mềm tự động hóa các nghiệp vụ thuế.

Trong khi đó, nhìn lại hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam, có thể thấy rằng, việc tính toán mức thuế áp dụng và nghiệp vụ kê khai thuế tương đối phức tạp. Thuế thu nhập thường dựa trên lợi nhuận, tức là thu nhập sau khi trừ đi các chi phí hợp lệ. Việc xác định thu nhập chịu thuế phụ thuộc vào việc người bán tự kê khai các khoản chi phí này, điều mà các sàn thương mại điện tử không có khả năng thực hiện thay. Điều này cho thấy sự khó khăn và thiếu thực tế trong việc yêu cầu các sàn đảm nhận vai trò kê khai thay thuế thu nhập cho người bán.

Ngoài ra, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ khai và nộp thuế thay cho người bán là nghiệp vụ chuyên sâu về thuế, không nằm trong lĩnh vực chuyên môn của các sàn. Điều này tất yếu dẫn đến sai sót, và những sai sót này có thể ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan, từ người bán cho đến cơ quan thuế, và có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử khai và nộp thuế thay có thể tác động tiêu cực đến nhóm kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, quy định này có thể dẫn đến tình huống người bán hàng nhỏ lẻ có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng cũng phải bị trừ thuế trên mỗi giao dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. Điều này không phù hợp với mục tiêu chính sách của Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Từ kinh nghiệm quốc tế cũng như những nhận định về khó khăn của người khai thuế thay, chúng tôi cho rằng, Dự thảo cần dứt khoát chỉ rõ chỉ thực hiện đối với các loại thuế gián thu, cụ thể là thuế giá trị gia tăng”, ông Dương cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, theo Dự thảo, các sàn giao dịch TMĐT phải khai thuế và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Quy định như trên là không hợp lý và cần phải được loại bỏ hoặc sửa đổi, vì một số lý do bao gồm mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về thuế, không phù hợp với thực tế, trái với các thông lệ quốc tế.

Chẳng hạn, pháp luật thuế của Việt Nam tương đối phức tạp, với nhiều mức thuế suất khác nhau áp dụng cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Việc xác định mức thuế suất của từng mặt hàng phải dựa vào việc kê khai của chủ thể kinh doanh là đối tượng nộp thuế (người bán), còn sàn TMĐT không thể tự động xác định và áp dụng.

“Hiện tại, có 3 mức thuế suất khác nhau tuỳ theo mặt hàng. Cùng một chiếc ví bán trên sàn TMĐT, nếu người bán tự sản xuất và bán hàng thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 3%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 1,5%; tuy nhiên, nếu người bán chỉ là bên phân phối thì áp dụng mức thuế suất GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%”, ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thay thuế TNCN cho người bán là chưa có tiền lệ ở trong các nước trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.

“Tại Mỹ, trên trang web dành cho người bán của Amazon tuyên bố rõ ràng với người bán: “Bạn chịu trách nhiệm cho việc xác định các nghĩa vụ thuế của mình cùng với việc tính thuế, nộp thuế và báo cáo về tất cả các loại thuế thuộc nghĩa vụ của mình bất kể bạn có tham gia Dịch vụ Tính thuế của Amazon hay không”. Trong đó, “Dịch vụ Tính thuế của Amazon” là dịch vụ dành cho “Các nhà bán hàng Chuyên nghiệp” (Professional Sellers), người có nghĩa vụ phải tính toán các loại thuế của mình. Dịch vụ này phải trả phí đăng ký hàng tháng. Amazon cũng tuyên bố: “Amazon không báo cáo hay nộp hộ cho người bán hàng các loại thuế cho bất cứ chính phủ nào”, ông Hà lấy ví dụ.

Tại Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines Không có quy định yêu cầu bên thứ ba là các sàn TMĐT phải kê khai thuế thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế. Một số nước có quy định yêu cầu các nền tảng khấu trừ và nộp cho cơ quan thuế số thuế VAT của người bán nước ngoài kinh doanh dịch vụ số (digital services). Những quy định này Việt Nam cũng đã có tại 80/2021/TT-BTC.

Từ phía VECOM, ông Phạm Đình Thưởng, Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao VECOM cho rằng, các quy định trong Dự thảo không phù hợp với thực tế và tạo ra nhiều gánh nặng và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đi ngược với tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế số của Chính phủ.

“Về bản chất, việc kê khai thay, nộp thuế thay, chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Đây là vấn đề nằm ngoài chuyên môn, lĩnh vực hoạt động chính của các sàn TMĐT nên sẽ tạo cho các sàn TMĐT gánh nặng rất lớn trong việc đầu tư và vận hành. Theo một khảo sát của VCCI vào năm 2022, dự kiến, quy định kê khai, nộp thuế thay này đòi hỏi các sàn TMĐT phải đầu tư chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc thực thi. Khoản chi phí này đến từ các yêu cầu về vận hành, bao gồm bổ sung nhân sự chuyên môn, thay đổi cấu trúc tổ chức và vận hành, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống, công nghệ, cơ sở dữ liệu... nhằm phục vụ việc thực hiện trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho Người bán và thậm chí là đầu tư đội ngũ chăm sóc khách hàng có chuyên môn để giải đáp thắc mắc, khiếu nại cho hàng trăm ngàn người nộp thuế… thay vì tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công việc kinh doanh cốt lõi”, đại diện VECOM cho biết.

“Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc người kinh doanh phải nộp thuế, tuy nhiên, nếu không có nghiên cứu cụ thể và thấu đáo, quy định này có thể tạo ra những bất bình đẳng và gánh nặng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, vốn là những đối tượng yếu thế và dễ tổn thương trong nền kinh tế”, VECOM kiến nghị.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục