Nhà thầu xây dựng chưa qua cơn bĩ cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, xây dựng là một trong những ngành ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong nền kinh tế, đạt 7,48%. Thế nhưng, đa phần doanh nghiệp ngành này vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy khó khăn.
Với các nhà thầu xây dựng, nợ đọng là gánh nặng lớn. Với các nhà thầu xây dựng, nợ đọng là gánh nặng lớn.

Quay cuồng với nợ đọng

Tuấn - Giám đốc một công ty xây dựng tư nhân có trụ sở tại Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) cho hay, với mỗi công trình quy mô nhỏ từ 2-10 tỷ đồng, biên lợi nhuận rất mỏng, chỉ từ 10-15% doanh thu, trong khi thời gian xây dựng một công trình kéo dài 6-18 tháng, chủ đầu tư thường thanh toán tối đa 75-80% giá trị công trình, phần còn lại thanh toán sau khoảng 3-6 tháng, thậm chí dài hơn, cho nên chỉ một công trình bị nợ đọng là nhà thầu sẽ ngay lập tức gặp khó về nguồn tiền, bởi các nhà cung cấp vật liệu xây dựng đều không chấp nhận chậm thanh toán quá thời hạn này.

Trong khi đó, từ năm 2021 đến nay, thị trường xây dựng liên tiếp hứng chịu những biến động bất thường của giá nguyên vật liệu, xăng dầu, nhân công…, khiến những nhà thầu nhỏ như doanh nghiệp của anh rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”, phải bỏ tiền túi và vay lãi cao để thanh toán cho thầu phụ.

Từ nửa cuối năm 2023, dù hoạt động kinh tế ổn định hơn, số lượng công trình mới gia tăng… nhưng vẫn chưa thể “bù lỗ”, nợ đọng mới kèm nợ đọng cũ trở thành gánh nặng lớn.

“Hơn 1 tháng qua, tôi hết chạy xuôi xuống Nam Định rồi lại chạy ngược lên Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để đòi nợ mà liên tục bị từ chối thanh toán, có chủ công trình thấy cực quá nên ‘tạm ứng” cho vài triệu đồng coi như đỡ tiền xăng xe và tiếp tục hẹn ‘vài tháng nữa có tiền thì trả’”, vị giám đốc trên kể.

Câu chuyện của những nhà thầu xây dựng quy mô nhỏ như trên không phải là trường hợp hiếm gặp trong giai đoạn hiện tại. Một chủ thầu xây dựng khác chia sẻ rằng, nỗi khổ lớn nhất của nhà thầu xây dựng là khó “làm căng” với bên nợ, bởi kiện tụng vừa mất thời gian, tốn kém chi phí, vừa dễ mang tiếng “gây khó dễ, không biết thông cảm” cho đối tác, dẫn tới khó tìm công trình khác sau này.

Chưa kể, dù có thắng kiện cũng chưa chắc đảm bảo chủ công trình chấp nhận thi hành án theo đúng quyết định của tòa. Một vấn đề nữa là càng bị nợ đọng nhiều thì sau này càng khó thu mua vật tư, bởi không đơn vị cung cấp nào muốn bán cho nhà thầu có khả năng thanh toán kém. Đây là thách thức lớn với không chỉ nhà thầu nhỏ, mà cả nhà thầu tầm cỡ.

Chẳng hạn như trường hợp của Tập đoàn Xây dựng Delta, nhà thầu thi công dự án The Artemis của chủ đầu tư MHL nằm trên đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội.

Toàn bộ hợp đồng xây dựng là 403 tỷ đồng, hoàn thành năm 2017, song đến nay vẫn nợ 63 tỷ đồng. Vụ việc này được đưa ra tòa dân sự quận Thanh Xuân từ 2021 để giải quyết, nhưng hiện chủ đầu tư chưa trả được nợ.

Cần có cơ chế bảo vệ nhà thầu

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, nợ đọng là tình trạng hầu hết các nhà thầu xây dựng đều phải đối mặt, nhưng pháp luật hiện hành lại chưa có cơ chế bảo vệ.

Nợ đọng là tình trạng hầu hết các nhà thầu xây dựng đều phải đối mặt, nhưng pháp luật hiện hành lại chưa có cơ chế bảo vệ.

“Hiện tại, tất cả các hợp đồng xây dựng đều không đề cập tới nội dung bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu, kể cả căn cứ theo Luật Xây dựng hay Luật Đấu thầu. Nếu tình trạng này còn kéo dài, doanh nghiệp sẽ không dám bước chân vào ngành xây dựng”, ông Hiệp nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, nhà thầu phải vay tiền ngân hàng trước để thi công dự án nên chậm thanh toán một ngày là một ngày nhà thầu giảm lãi, vậy mà nhà thầu vẫn không nhận được tiền thanh toán đúng hạn, đồng thời lãi vay ngân hàng không những không được ưu đãi, mà còn liên tục đè nặng qua từng tháng.

Cũng theo Chủ tịch VACC, các nhà thầu xây dựng tham gia các dự án trọng điểm quốc gia cho biết, những dự án này đều sử dụng vốn ngân sách nên việc thanh toán đều dựa trên cơ sở hệ thống đơn giá định mức do Nhà nước ban hành cùng các quy định trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.

Đại tá Khương Tất Thắng, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin, đơn giá vật liệu tại các địa phương luôn cao hơn giá trong bảng công bố đơn giá Nhà nước ban hành, nguyên nhân là do chưa có chế tài quản lý, giám sát đối với các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu phải mua nguyên vật liệu với giá cao hơn nhiều so với giá được thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng cũng như hiệu quả kinh doanh.

“Điều đáng nói, hầu hết các gói thầu cao tốc giai đoạn 2021-2025 có khối lượng phát sinh thay đổi so với hợp đồng đã ký, nhiều đơn giá tạm tính song thủ tục phê duyệt kéo dài, trải qua nhiều khâu, nhiều cấp trung gian trình báo, xem xét, thẩm định…, làm ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân khối lượng hoàn thành cho nhà thầu”, ông Thắng cho hay.

VACC cho biết, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải đã nỗ lực cập nhật, bổ sung hệ thống định mức đơn giá nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là các định mức chuyên ngành như định mức về cầu dây văng, về khoan cọc nhồi… Ngoài ra, bộ đơn giá xây dựng của địa phương (nơi có công trình) công bố để áp dụng thường thấp hơn giá thật khoảng 10-15%, đơn giá nhân công cũng chỉ bằng 60-70% tiền lương thực tế mà nhà thầu phải trả.

Theo Đại tá Phan Phú - Chủ tịch Tổng công ty 319, việc thanh toán theo cơ chế đặc thù cho các mỏ tài nguyên phục vụ công tác thi công dự án đã được quy định rõ, nhưng quan điểm, cách hiểu của mỗi địa phương lại khác nhau, dẫn đến các nhà thầu được thanh toán theo tỷ lệ khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn bị tồn đọng vốn nhiều.

Hay như việc giải phóng mặt bằng mỏ để khai thác nguyên vật liệu phục vụ dự án, các địa phương thường giao nhà thầu thỏa thuận với người dân. Không ít trường hợp, để có vật liệu thi công, đáp ứng tiến độ đề ra, nhà thầu phải bồi thường cao gấp 10 lần định mức, nhưng khi hạch toán, thanh quyết toán cho phần này lại không dễ dàng và thường bị chậm.

“Có dự án chúng tôi đã thi công xong phần nền, đang tiến hành làm cấp phối và thảm, nhưng tiến độ thanh toán chỉ được 70% phần nền, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó về vốn, dòng tiền”, ông Phú cho hay.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục