Việc Bộ Tài chính mới đây có Công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thu ngân sách nhà nước từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại các ngân hàng BIDV, VietinBank đang là câu chuyện gây ý kiến nhiều chiều.
Phải khẳng định, Bộ Tài chính có căn cứ pháp luật để đưa ra yêu cầu này. Nhưng nếu xét về căn cứ thì ngành ngân hàng cũng có thể trích dẫn văn bản về cái lý của việc giữ lại cổ tức để bổ sung vốn.
Cụ thể là theo Đề án 254 (kèm theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ) về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã yêu cầu rõ: “Ngành ngân hàng sẽ tăng cường áp dụng các chuẩn mực an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế với mục tiêu các TCTD phải có đủ vốn tự có để bù đắp rủi ro tín dụng, thị trường và tác nghiệp theo tiêu chuẩn Basel II đến cuối năm 2015”).
Hay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Thông báo số 249/TB-VPCP: “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN, các NHTMNN nắm cổ phần chi phối, đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô, năng lực tài chính và các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm các ngân hàng này là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các TCTD, có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế”
Vì vậy, nếu bỏ qua yêu cầu về cơ sở tham chiếu, thì câu chuyện còn lại là việc giữ lại cổ tức hay chia cổ tức nộp ngân sách, giải pháp nào có lợi hơn.
Nhìn trực diện thì việc chia cổ tức bằng tiền mặt giúp ngân sách có ngay một khoản phải nộp khoảng 4.700 tỷ đồng và các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của 2 ngân hàng này cũng sẽ có một khoản tiền lợi tức. Và ngược lại, nguồn lực cho phát triển ngân hàng trong tương lại cũng không còn như kỳ vọng.
Trong một báo cáo dài 16 trang vừa phát đi sáng nay (14/6) của Trung tâm nghiên cứu BIDV còn cho thấy nhiều điều hơn thế đó là vốn cho vay nền kinh tế sẽ giảm đi so với dự kiến, số lượng công ăn việc làm tạo mới cũng giảm theo, các ngân hàng không có nguồn lực để vươn tầm khu vực,… Đồng thời báo cáo này cũng chỉ ra tới 5 lợi ích của việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, theo kinh nghiệm quốc tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vừa qua đó là để có một hệ thống ngân hàng mạnh cần tập trung 2 yếu tố: Quản trị rủi ro và tăng cường năng lực tài chính.
“Cả 2 yếu tố này của các ngân hàng Việt Nam đều chưa đạt chuẩn mực quốc tế”, ông Lực cho biết.
"Hiện ngân hàng khó huy động vốn thêm từ việc bán vốn chiến lược (phát hành thêm), tăng vốn từ cổ đông hiện hữu (nhà nước cũng là nhà đầu tư, nhưng hiện ngân sách còn khó khăn, nên khó có thể góp vốn thêm – pv), thế nên việc giữ lại khoản lãi để bổ sung vốn là giải pháp cần thiết”.
Cũng theo ông Lực, đó là về lâu dài, còn trước mắt thì việc “đem lợi nhuận ra chia” sẽ khiến nền kinh tế có thể mất đi gần 50.000 tỷ vốn tín dụng ngân hàng, đây là con số tương đương nhiều nhà máy, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm. Đặc thù của ngân hàng đó là khi có 1 đồng thì ngân hàng có thể huy động để cho vay khoảng 10 đồng (không lớn hơn do phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn).
“Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, về lâu dài cần ưu tiên và chỉ đạo các ngân hàng tận dụng mọi biện pháp nâng cao năng lực tài chính, đi kèm với kiểm soát rủi ro như các ngân hàng quốc tế đang triển khai”, ông Lực cho biết.