Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sáng 29/11, báo chí đặt câu hỏi về việc nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi lái xe được Bộ Công an đưa vào dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Trước đó, chiều 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Một số ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông để hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe", một số ĐBQH cho rằng quy định phạt nồng độ cồn khi tham gia là đúng, nhưng cần phân loại theo ngưỡng, nồng độ cồn dưới ngưỡng bao nhiêu thì không bị phạt.
Những người theo quan điểm này cho rằng, chỉ uống 1-2 chai bia chưa đến ngưỡng có thể gây nguy hiểm cho người khác mà lại ngăn chặn người ta thì lại vi phạm đến tự do cá nhân và truyền thống văn hóa. Thậm chí có người uống từ chiều hôm trước, sáng hôm sau vẫn bị phạt nồng độ cồn là không hợp lý.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ có nêu quy định, cấm tuyệt đối hơi thở có nồng độ cồn.
Trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia tại khoản 6, Điều 5 có quy định những hành vi cấm, trong đó có cấm tuyệt đối việc uống rượu bia trước, trong khi lái xe.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức thông tin về quy định phạt nồng độ cồn tại buổi họp báo sáng 29/11 |
Ông Nguyễn Minh Đức cho hay, về nguyên tắc trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cần thống nhất tất cả các luật với nhau. Xây dựng luật sau dựa trên cơ sở lấy nguồn của luật trước.
"Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã đề xuất nội dung trên vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ", ông Đức nói.
Ủy ban Quốc phòng, an ninh hàng năm đánh giá thẩm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, tổng kết cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường bộ có 43% vụ xuất phát từ rượu bia. Ông Đức thông tin và cho biết, quan điểm của cơ quan thẩm tra là hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo về việc tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật.
“Tôi cho rằng đây là mệnh lệnh và cần phải thực hiện. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức và người dân ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, vị này nhấn mạnh.
Về nội dung này, trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cho rằng, việc Luật quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm, nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Theo lý giải của Bộ trưởng Công an người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Tại buổi thảo luận hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 24/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kĩ tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi.