Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1962, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) mức án 18 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu truy tố, bị cáo Phương mới học hết lớp 5 và làm nghề nông. Chỉ trong vòng một năm (từ năm 2010 - 2011), người phụ nữ này đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 5,5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Một trong những nạn nhân bị thiệt hại nặng nề nhất là bà Nguyễn Thị Tỉa (sinh năm 1955). Bà Tỉa và Phương là hàng xóm thân thiết. Khoảng tháng 10/2010, Phương hỏi vay tiền bà Tỉa để làm ăn. Để chiếm lòng tin, Phương tỉ tê sẽ trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Bị cáo Phương tại tòa.
Tin tưởng, từ này 27/10 đến 30/12/2010, bà Tỉa đồng ý và đưa cho Phương vay tất cả 10 lần với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Trong ngày 23/12/2010, hai bên thống nhất viết Hợp đồng vay tiền tín chấp và Biên bản xác nhận công nợ số tiền trên.
Cũng trong thời gian trên, Phương rỉ tai bà Triệu Thị Dung (sinh năm 1963, hàng xóm) về kế hoạch mua đất kẹt. Cô ta hứa hẹn bất kể khi nào bà Dung cần sẽ thu xếp trả nợ. Không nghi ngờ, bà Dung lập tức cho vay 260 triệu đồng. Sau nhiều lần miệt mài đòi nợ, Phương mới trả “nhỏ giọt” được 20 triệu đồng.
Nạn nhân khác là bà Phan Kim Thúy (sinh năm 1959) cũng phải ngậm ngùi gõ cửa công quyền nhằm đòi lại số tiền 870 triệu đồng. Chỉ vì tin tưởng do quen biết nhau đã lâu, bà Thúy đưa tiền cho Phương khá dễ dãi.
Theo lời trình bày của bà Thúy, sau khi cho vay 870 triệu đồng, Phương hỏi vay tiếp 50 triệu đồng. Lúc này, bà Thúy yêu cầu Phương gộp lại tiền thành 920 triệu đồng và viết giấy đặt cọc bán nhà. Bà Thúy hiện chưa nhận được đồng nào cả lãi và gốc.
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Phương không xác nhận lời trình bày trên của bà Thúy. Đối tượng này khai nhận giấy biên nhận cầm 920 triệu đồng của bà Thúy để đặt cọc bán nhà là không đúng. Lý do là, thời điểm đó, Phương đã cầm cố nhà bằng hình thức ký Hợp đồng công chứng bán nhà. Thực tế là do không có tiền trả nợ, Phương bị chủ nợ này yêu cầu viết giấy nhận tiền (870 triệu đồng) và tiền phạt 50 triệu đồng.
Cơ quan điều tra đã xác minh các tài liệu trong hồ sơ và thấy lời khai của đối tượng là phù hợp. Do đó, trường hợp của bà Thúy, số tiền vay là 870 triệu đồng, không phải 920 triệu đồng như nạn nhân trình báo.
Thừa nhận cầm toàn bộ số tiền vay (hơn 5,5 tỷ đồng), bị cáo này lại khai nhận dùng tiền để trả cho những khoản vay khác. Đặc biệt là bị cáo đã đưa tiền cho người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1970, ở cùng làng). Bị cáo lý giải số tiền trên để hùn vốn cho Thủy giao cho ông Nguyễn Duy Tuấn (cựu Chủ tịch xã Tân Triều) và ông Phan Huy Phước (Cán bộ thanh tra nhà đất huyện Thanh Trì) để mua đất giãn dân, đất xen kẹt và làm sổ đỏ đất liền kề một số hộ dân xã Tân Triều.
Quá trình điều tra, bị cáo Phương còn nộp máy ghi âm để chứng minh lời khai đưa tiền cho Thủy. Song máy ghi âm hỏng nên không kiểm tra được nội dung bên trong.
Trái lại, khi cơ quan điều tra xác minh, bản thân bà Thủy và ông Tuấn không thừa nhận. Mặt khác, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xác nhận không có trường hợp nào tên là Phan Huy Phước làm việc tại các phòng ban của huyện.
Cơ quan điều tra khẳng định, dựa vào kết quả giám định và tài liệu thu thập không đủ cơ sở đối với lời khai trên của đối tượng Phương.
Trước vành móng ngựa, bị cáo đã thừa nhận do bị đòi tiền gắt gao, không có tiền trả nên bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Suốt 4 năm trốn tránh (từ năm 2011 đến năm 2015), bị cáo lang thang vào các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh sống vạ vật. Đến đầu tháng 4/2015, bị cáo ra đầu thú. Ngay tại tòa, bị cáo Phương vẫn luôn miệng cho rằng bản thân bị người khác lừa gạt.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, Hội đồng xét xử cho rằng việc giao nhận tiền giữa Lê Thị Phương và Nguyễn Thị Thủy là quan hệ dân sự riêng. Cơ quan điều tra đã ra quyết định tách rút tài liệu liên quan nên không xem xét trong vụ án này.
Tòa cũng nhận định hành vi của bị cáo đã phạm tội nhiều lần và gây khó khăn cho công tác điều tra.