“Nóng” chuyện quản lý mạng xã hội

Rất nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn xoay quanh chủ đề nóng về quản lý Google, Facebook tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

“Đau đầu” với thông tin độc hại

Các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề giải pháp Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức lan tràn trên mạng xã hội; Vấn đề thông tin mạng xã hội lấn át thông tin chính thống; Xây dựng mạng xã hội.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ở Việt Nam hiện có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, 35 triệu người dùng Youtube. Việt Nam có 363 trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép

“Không ai có thể đi ngược lại xu hướng phát triển của mạng xã hội và Internet. Tuy nhiên, tác hại do mạng xã hội đem lại không hề nhỏ, đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo...”, Bộ trưởng nói.

Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ.

    - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Trương Minh Tuấn

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên dùng hay không? Trong vấn đề này, phải coi mạng xã hội là phương tiện, công cụ cho người dùng, nó như một con đường và chúng ta đi trên con đường đó.

Trên đường thì có rất nhiều hạng người, có người tốt, người xấu, thậm chí có cả kẻ cướp. Đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào.

Sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội

Giải pháp xử lý với các thông tin độc hại mà Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra là "tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm năng lượng xấu".

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5.000 video xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh.

“Trên Youtube, chúng tôi đã cố gắng và mới gỡ được trên 5.000 video xấu độc. Tuy nhiên, lượng video đưa lên rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý", ông Tuấn nói.

“Nóng” chuyện quản lý mạng xã hội ảnh 1

 Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5.000 video xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Cùng với đó, những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng vì cơ quan quản lý không thể rà soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội.

Thừa nhận thực trạng “mạng xã hội át thông tin chính thống”, ông Tuấn nhấn mạnh rằng: "Đang có tình trạng báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt, nên phải làm thế nào chính báo chí là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin trên mạng".

Có cần xây dựng mạng riêng?

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội về xây dựng mạng xã hội cho giới trẻ Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga, Trung Quốc đều có mạng xã hội riêng...

Theo Bộ trưởng, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge. Trước đây có Bamboo, Xa Lộ, nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện trong nước có nhiều mạng xã hội, có mạng đã lên đến 80 triệu người dùng như Zalo, nhưng so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiêm tốn.

Ông Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh. Khi đó mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Google.

Đồng thời, Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước cùng vào cuộc một cách tập trung. "Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục