Cạnh tranh cung cấp dịch vụ 4G: MobiFone lo lắng

Nhà mạng yếu thế lo ngại, các đối thủ sẽ dùng chiêu “cước 4G giá rẻ” để “tiêu diệt” đối thủ…
Trong cuộc đua giữa 3 ông lớn viễn thông hiện MobiFone "yếu" nhất trong việc đầu tư cho dịch vụ 4G Trong cuộc đua giữa 3 ông lớn viễn thông hiện MobiFone "yếu" nhất trong việc đầu tư cho dịch vụ 4G

MobiFone lo lắng

Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra tuần qua, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã kiến nghị Bộ cần có chính sách quản lý giá cước phù hợp, nhất là 4G trong thời gian tới.

“Nếu không quản lý giá cước tốt ắt dẫn đến tình trạng “cá lớn” nuốt “cá bé”. Thế kiềng 3 chân như Chính phủ yêu cầu (Viettel, VinaPhone, MobiFone) và Bộ định hướng, nếu không cẩn thận,  một số doanh nghiệp sẽ bị nhỏ lại.

Với thị phần dưới 30% và hệ thống truyền dẫn  đang được đầu tư, nếu không có chính sách dùng chung, hoặc cơ chế mở để phát triển, thì MobiFone sẽ không thể phát triển!”, ông Trà chia sẻ.

Trong cuộc đua 4G đang diễn ra, MobiFone yếu thế nhất trong 3 nhà mạng đang triển khai 4G tại Việt Nam khi chưa có kế hoạch khai trương dịch vụ 4G và mới lắp xong 4.500 trạm phát sóng 4G, mục tiêu trong năm 2017 sẽ hoàn thành 8.000 trạm 4G.

Số trạm 4G này bằng 1/8 (20%) số trạm của Viettel và  1/2,4 (hơn 60%) số trạm của VinaPhone và “chạy sau” trong cung cấp dịch vụ 4G ra thị trường. Vì vậy, việc MobiFone đề xuất “cần có sự điều tiết của nhà nước trong  quản lý giá 4G” và “sử dụng chung hạ tầng 4G” là dễ hiểu.

Viettel: Giá cước chỉ bằng 40 - 60% giá cước 3G!

Viettel sau khi lắp đặt xong 36.000 trạm 4G trên cả nước trong vòng 6 tháng đã có màn khai trương 4G hoành tráng như đúng phong cách áp đảo của họ trên thị trường. Vietel đã phủ sóng tới 95% dân số, kể cả những vùng cư dân chưa có thiết bị 4G. Tính đến đầu tháng 5/2017, Viettel đã có hơn 3 triệu thuê bao 4G.

Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoànVietel  khẳng định: “Viettel sẽ cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với giá dự kiến rẻ hơn 3G từ 40 - 60%, đồng thời đảm bảo tiêu chí "dùng càng nhiều, giá càng rẻ".

Ngay sau khi khai trương, Viettel đã cung cấp 3 gói cước 4G tháng: 90.000 đồng/3G, 125.000 đồng/5G và 200.000 đồng/10G. So sánh giá cước 3G với 4G của Viettel sẽ thấy, cam kết “rẻ hơn 40 - 60%, “dùng càng nhiều, giá càng rẻ" là chính xác. “Viettel không xác định 4G đem lại doanh thu, lợi nhuận đột phá, mà từng bước đưa khách hàng trải nghiệm dịch vụ 4G tốt hơn, chứ không phải tốn nhiều tiền hơn”, ông Sơn nói.

Quản lý cước 4G thế nào?

Về quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, có một số quy định quản lý giá cước không còn phù hợp thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp quản lý giá cước phù hợp hơn. Nhưng trước mắt, đề nghị các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục Viễn thông nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển dịch vụ nội dung trên nền tảng 4G để có chính sách quản lý giá cước viễn thông và 4G phù hợp.

“Giá cước phải dựa trên cơ sở mệnh lệnh thị trường quyết định, phải xem xét xem các nước họ quản lý thế nào, nước mình quản lý như hiện nay có còn phù hợp không”, Bộ trưởng khẳng định.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục