Nỗi sợ hãi lên cao, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục bị bán tháo trong phiên ngày thứ Hai (9/5) với S&P 500 lần đầu tiên kết thúc dưới mức 4.000 điểm kể từ cuối tháng 3/2021 và Nasdaq giảm hơn 4%.
Nỗi sợ hãi lên cao, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu

Đà tăng của lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu công nghệ như Meta (Facebook) và Alphabet (Google) lần lượt giảm 3,7% và 2,8%. Cổ phiếu Amazon, Apple và Netflix lần lượt sụt 5%, 3% và 4%, còn Tesla và Nvidia đều lao dốc hơn 9%.

Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị bán tháo, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới kể từ cuối năm 2018 ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng 3%.

Sự kết hợp giữa lãi suất cao và nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát leo thang cũng là nguyên nhân khiến các nhóm cổ phiếu khác điêu đứng, từ cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu cho tới những tên tuổi công nghiệp...

David Wright, đồng sáng lập công ty quản lý tài sản Sierra Investments cho biết: “Fed đã phản ứng chậm chạp với lạm phát như họ đã từng làm và điều đó đang khiến tôi có cái nhìn tiêu cực về chứng khoán”.

Wright nhận thấy một số điểm tương đồng trong kịch bản kinh tế tiền tệ năm 1981, khi lạm phát cao buộc Fed phải thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ, đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Wright hiện đã cắt giảm việc nắm giữ cổ phiếu của mình và đang chuyển sang trái phiếu địa phương để chuẩn bị cho thị trường gấu kéo dài nhiều tháng.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 653,67 điểm (-1,99%), xuống 32.245,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 132,10 điểm (-3,20%), xuống 3.991,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 521,41 điểm (-4,29%), xuống 11.623,25 điểm.

Chứng khoán châu Âu chạm mức thấp nhất trong hai tháng, dẫn đầu bởi cổ phiếu các lĩnh vực du lịch, giải trí và công nghệ, do sự lo lắng về việc phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc và lợi tức trái phiếu tăng cao đã thúc đẩy áp lực bán ra.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,76% 418,03 điểm, với nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí giảm tới 6%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng lao dốc, giảm 5% xuống mức thấp nhất từ tháng 11/2020 khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Cuối tuần qua, nhà hoạch định chính sách diều hâu Robert Holzmann tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB nên tăng lãi suất nhiều nhất ba lần trong năm nay để chống lạm phát.

Các công ty khai thác mỏ cũng bị ảnh hưởng, giảm 4,4% khi giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc giảm tới 7%, do lo ngại về nhu cầu suy giảm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 chậm lại.

Thêm vào sự ảm đạm, chỉ số tâm lý các nhà đầu tư trong khu vực đồng euro đã trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, khi tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế châu Âu ngày càng rõ ràng.

Kết thúc phiên 9/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 171,36 điểm (-2,32%), xuống 7.216,58 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 293,62 điểm (-2,15%), xuống 13.380,67 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 172,34 điểm (-2,75%), xuống 6.086,02 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, với sự suy yếu của các chỉ số tương lai phố Wall và khả năng xung đột Nga-Ukraine leo thang làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều và chịu áp lực từ các công ty tài chính và tiêu dùng sụt giảm, khi lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của việc phong tỏa đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi, với khẩu vị rủi ro giảm trên khắp các thị trường châu Á, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Kết thúc phiên 9/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 684,22 điểm (-2,53%), xuống 26.319,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,58 điểm (+0,09%), lên 3.004,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 33,70 điểm (-1,27%), xuống 2.610,81 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục