Nới room, vẫn chưa rõ con đường

(ĐTCK) Một lần nữa, VN-Index bật tăng trên 600 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua, mang đến sự kỳ vọng vào một tháng 5 tích cực trên TTCK. Theo giới phân tích, thị trường tăng điểm do nhà đầu tư chờ đợi vào thông điệp hỗ trợ khối DN của Chính phủ mới và khả năng nới room sẽ thành hiện thực trong tương lai rất gần.
Nới room, vẫn chưa rõ con đường

Chính phủ tạo niềm tin bằng hành động…

Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ 6 định hướng lớn của Chính phủ trong hoạt động điều hành nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, với tiêu cực, một Chính phủ làm gương cho xã hội, nói đi đôi với làm.

Chính phủ mới sẽ phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng của thị trường. Theo đó, việc gì thị trường làm tốt sẽ để thị trường làm và Chính phủ sẽ tạo cơ chế chính sách để thu hút các nguồn vốn trong dân, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong nền kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã bàn thảo nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường hoạt động an toàn cho các DN phát triển, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân.

Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm ban hành, nhằm tạo lòng tin của doanh nghiệp, của người dân vào Chính phủ. Bộ trưởng cho biết, điều quan trọng nhất là tạo dựng lòng tin của cộng đồng DN và người dân, khi có niềm tin, sẽ huy động được mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Về hiện trạng nền kinh tế, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ mới mới kiện toàn được hơn 20 ngày, nhưng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khách quan, nhất là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra việc cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung. Tuy vậy, do có các giải pháp chủ động ứng phó nên kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP quý I năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2015.

Về khởi nghiệp, 4 tháng đầu năm, số DN thành lập mới tăng mạnh, với 34.721 DN (tăng 22,9% về số lượng; 52,8% về vốn đăng ký), đồng thời dòng vốn FDI cũng chảy nhiều hơn vào Việt Nam (tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,65 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký đạt 6,89 tỷ USD, gấp 1,8 lần cùng kỳ năm 2015). N

hững kết quả này, theo ông Mai Tiến Dũng, có nguyên nhân quan trọng từ việc đưa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới vào cuộc sống. “Hai văn bản luật này, khi làm tốt sẽ tạo lòng tin của người dân vào Chính phủ, khuyến khích các dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng nói. 

… nhưng nới room vẫn chưa rõ con đường

Thông điệp về một Chính phủ hành động đã tạo nguồn cảm hứng tích cực cho các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Một Chính phủ kiên quyết xử lý những điểm nghẽn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh, đồng thời lấy thước đo sự hài lòng của người dân và DN để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền, vừa tạo sức ép, vừa tạo động lực mới cho nhiều chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý những điểm nghẽn chính sách, trong nhiều trường hợp không phải là câu chuyện dễ dàng.

Trở lại với vấn đề nới room, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital dẫn câu chuyện thực tế: sau gần 1 năm Nghị định 60/2015/NĐ về nới room ra đời, TTCK mới chỉ có 3 DN thực hiện nới room. 3 trên tổng số 700 DN niêm yết, nếu tính cả các DN trên sàn UPCoM là 1.000 DN trên sàn, cho thấy, chính sách nới room chưa đi vào cuộc sống như thông điệp và kỳ vọng Chính phủ đưa ra khi ban hành quy định này.

Điểm mắc nhất trong triển khai Nghị định nới room lại nằm ở chính Luật Đầu tư khi quy định, các DN có sở hữu trên 51% vốn ngoại sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Trong cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với ngành chứng khoán mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã chia sẻ, các DN gặp khó với quy định về tỷ lệ 51% này khi họ buộc phải cân nhắc, nếu nới room và nhà đầu tư ngoại mua đến quá bán số cổ phần của DN, DN sẽ trở thành pháp nhân nước ngoài.

Thực tế, các DN niêm yết phải cân nhắc việc nới room và những quy định tại Luật Đầu tư vì quy định hiện hành trên TTCK cho phép khối ngoại mua đến 49% vốn của DN. Ngưỡng 49% và 51% cách nhau quá nhỏ, nhưng địa vị pháp lý của DN lại có sự khác biệt lớn, bởi nếu DN thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thủ tục liên quan như về thuế, về đầu tư, về tín dụng… sẽ phải thực hiện theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài.

Gỡ nút thắt nới room trên TTCK như thế nào, đang là bài toán khó, khi Luật Đầu tư mới được ban hành, còn Luật Chứng khoán (văn bản pháp lý tương đương), dự kiến đến năm 2018 Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai. Các thành viên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư đại chúng và nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng Chính phủ, ngành chứng khoán có giải pháp thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy các DN niêm yết nới room, nhưng từ nay đến năm 2018, giải bài toán nới room như thế nào là bài toán vô cùng hóc búa.

Theo báo cáo của UBCK, quy mô vốn gián tiếp trên TTCK Việt Nam hiện đạt gần 15 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011. Vốn gián tiếp chảy vào TTCK tăng hàng năm, nhưng so với dòng vốn ngoại chảy vào kênh đầu tư trực tiếp thì còn quá nhỏ.

Trong thẩm quyền của mình, UBCK, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng việc trình Chính phủ một nghị định mới, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho phép các tổ chức ngân hàng đầu tư lớn của nước ngoài lập chi nhánh tại Việt Nam để phục vụ cho các khách hàng là nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài.

Cùng với đó sẽ đề xuất nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo cam kết quốc tế, giảm thiểu thủ tục hành chính trong đầu tư gián tiếp nước ngoài, tăng cường tính công khai, minh bạch đối với dòng vốn này tạo sức cầu cho TTCK phát triển hỗ trợ cho công tác cổ phần hóa và tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, văn bản cấp Nghị định sẽ không thể xử lý được câu chuyện về tỷ lệ 51% mà các DN niêm yết đang mắc, nằm trong quy định tại Luật Đầu tư.

Làm cách nào gỡ nút thắt về nới room, tạo động lực cho DN niêm yết nới room để thu hút vốn ngoại, đang là câu hỏi lớn nhất mà nhà đầu tư chờ đợi Chính phủ mới gỡ khó. TTCK cần động lực để vững bước, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế và thực thi các mục tiêu rất cụ thể mà Thủ tướng đặt ra trong Chiến lược phát triển đến 2020. 

Nhà đầu tư ngoại chờ đợi hệ thống NVDR

Trong bức thư ngỏ gửi các nhà hoạch định chính sách, ông Petri Deryng, Giám đốc Quản lý quỹ PYN ELITE từng cho biết, Quỹ sở hữu hàng triệu cổ phiếu niêm yết, nhưng chỉ mong muốn hưởng các lợi ích tài chính, nên sẵn sàng trao tất cả quyền biểu quyết tại DN cho nhà đầu tư Việt Nam.

Cũng theo ông Petri Deryng, nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng với tốc độ cao nếu không được hỗ trợ bởi một thị trường tài chính vận hành tốt và hiện đại hóa. Thành phần tối cần thiết của thị trường tài chính là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu hiệu quả, nơi các công ty tốt tìm kiếm được nguồn vốn trung và dài hạn cho các kế hoạch hoạt động của mình với chi phí vốn hợp lý.

Ông Petri Deryng đề xuất và ủng hộ TTCK Việt Nam triển khai hệ thống chứng chỉ chứng khoán không có quyền biểu quyết (NVDR) và khuyến nghị nên làm càng sớm càng tốt. Thực tế tại TTCK Thái Lan, hệ thống này đã giúp đẩy mạnh thanh khoản và tính minh bạch trên TTCK khi được triển khai.

Bằng việc sử dụng NVDR, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể giao dịch tất cả các cổ phiếu trên cùng một sàn giao dịch tại cùng một thời điểm và có quyền hưởng các lợi ích tài chính như nhau như cổ tức và thặng dư vốn. Sự khác biệt duy nhất giữa việc mua NVDR và mua cổ phiếu phổ thông là quyền biểu quyết. Mua NVDR nhà đầu tư không có quyền biểu quyết, còn mua cổ phiếu phổ thông thì có quyền này.

Được biết, từ năm 2014, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm mới, trong đó có NVDR tại Việt Nam, trình lên UBCK và Bộ Tài chính. So với các quy định pháp lý hiện hành, sản phẩm này có một số điểm vướng, nhưng theo ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc HOSE, không có sản phẩm nào toàn vẹn về mọi mặt. Vấn đề là phải chọn mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn và từ đó tìm cách vượt qua những vướng mắc trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên đặt ra.               

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục