Tại ĐHCĐ của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), cổ đông đề nghị HĐQT NSC trình đại hội xem xét nới room cho NĐT nước ngoài lên 100% vốn điều lệ.
Về đề nghị trên, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NSC cho biết, theo danh sách cổ đông chốt ngày 16/3/2016 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, thì NĐT nước ngoài sở hữu 13,45% cổ phần của NSC, nên room dành cho đối tượng NĐT này còn rất lớn là 36,55%. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh của NSC thuộc diện hạn chế sở hữu NĐT nước ngoài, không cho phép nâng tỷ lệ sở hữu từ 51% vốn trở lên. Vì vậy, HĐQT chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để trình ĐHCĐ nới room lên 100% cho NĐT nước ngoài.
Theo các quy định về dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp tại Danh mục điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài tại tổ chức kinh tế hợp tác với bên Việt Nam không vượt quá 51%.
Ở khía cạnh có liên quan, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán và là người có nhiều góp ý về kỹ thuật nới room cho biết, có những ngành không được phép nới room như: ngân hàng, dịch vụ thông tin, một số lĩnh vực thuộc dịch vụ vận tải (bảo đảm hoạt động bay, lai dắt tàu biển, dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt...). Tuy nhiên, ngay cả trong các lĩnh vực này, thì vẫn có những phân ngành cho phép tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 49%, nghĩa là được phép nới room thêm một tỷ lệ nhất định so với trước đây.
Chẳng hạn, lĩnh vực dịch vụ thông tin thuộc nhóm ngành viễn thông cơ bản, nhưng với phân ngành dịch vụ không có hạ tầng mạng, NĐT nước ngoài được phép sở hữu không vượt quá 65% vốn điều lệ tại DN Việt Nam, còn nếu là dịch vụ có hạ tầng mạng, thì NĐT nước ngoài được phép sở hữu không vượt quá 49%.
Bởi vậy, nếu chỉ căn cứ vào lĩnh vực dịch vụ thông tin (gồm rất nhiều phân ngành) thì có thể cho rằng, DN không được nới room cho NĐT nước ngoài vượt quá 49%.
Nói như vậy đúng, nhưng chưa đủ, vì nếu qua rà soát mà DN không đăng ký kinh doanh phân ngành dịch vụ có hạ tầng mạng, thì không bị hạn chế room tối đa là 49%, nên có thể nới room lên mức không quá 65%.
Trong trường hợp DN có đăng ký phân ngành này, nhưng trên thực tế chưa triển khai hoạt động, thậm chí đã kinh doanh nhưng không hiệu quả, trong khi DN muốn nới room, thì có thể loại bỏ phân ngành dịch vụ có hạ tầng mạng ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều này liên quan đến câu chuyện đánh đổi giữa được và mất mà DN phải lựa chọn. Nghĩa là, nếu DN muốn nới room, thì có trường hợp phải cắt giảm ngành nghề kinh doanh. Ngược lại, vẫn giữ ngành nghề kinh doanh (bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài) vì đây là lĩnh vực DN đang hoạt động hiệu quả, thì đương nhiên không được nới room.
Việc lựa chọn giữa được và mất như trên không đơn giản và tốn thời gian với nhiều DN, nên có DN tranh thủ trình ĐHCĐ năm nay thông qua chủ trương nới room, nhưng bao giờ thực hiện thì để ngỏ.
“Công ty đăng ký hoạt động trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, nên quá trình rà soát để có câu trả lời cuối cùng DN có được nới room hay không tốn khá nhiều thời gian và việc này phức tạp. Tuy nhiên, HĐQT công ty vẫn trình ĐHCĐ thường niên năm 2016 thông qua chủ trương nới room theo hướng ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến giảm mã ngành, nếu qua rà soát phát hiện có ngành giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài theo luật định”, tổng giám đốc một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội chia sẻ.
Lãnh đạo DN này cho biết, trong quá trình triển khai chủ trương nới room mà ĐHCĐ vừa thông qua, nếu có những ngành giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài, mà công ty chưa hoạt động, hoặc đã triển khai nhưng không hiệu quả, thì sẽ cân nhắc loại bỏ các ngành này ra khỏi giấy phép kinh doanh, để chính thức nới room.
Tuy nhiên, nếu có nhiều ngành hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với bên nước ngoài, mà những ngành này đang là lĩnh vực kinh doanh chính, có đóng góp quan trọng về doanh thu, lợi nhuận đối với công ty, thì công ty sẽ không đánh đổi bằng cách loại bỏ các ngành này ra khỏi giấy phép kinh doanh để nới room.