Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó Bộ đề xuất bỏ 67 trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Một số chuyên gia chứng khoán nhận định, đây là một bước chuyển tích cực, một bước hoàn thiện về mặt cơ chế thu hút vốn ngoại, mặc dù tới nay chỉ có một số doanh nghiệp chính thức nới room lên 100% và diễn biến giao dịch của khối ngoại tại các cổ phiếu này có phần trái chiều. Điển hình là trường hợp cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam và DMC của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco.
Giá VNM lập đỉnh, khối ngoại bán ròng
Xét chung toàn thị trường, khối ngoại gần đây có nhiều phiên bán ròng, do hai yếu tố chính chi phối. Thứ nhất, các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán hàng loạt blue-chips để mua VNM.
Cả 2 quỹ ETF đều thêm VNM vào danh mục mới với tỷ trọng lớn nhất, trong khi thị giá VNM cao nên để có tiền mua, các quỹ phải bán ra các cổ phiếu đang có trong danh mục.
Thứ hai, một số tổ chức đầu tư bán ra cổ phiếu với mục đích cơ cấu danh mục, chốt lời một phần và chuẩn bị nguồn tiền đón cơ hội Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.
Cũng không ngoại trừ khả năng dòng tiền Pnote (chứng chỉ tham gia đầu tư) vào TTCK Việt Nam hồi giữa quý II thực hiện chốt lời. Dòng tiền Pnote có đặc điểm là vào nhanh, nhưng ra nhanh khi có lời.
Đối với VNM, với nhiều thông tin hỗ trợ như mở room, được thêm vào rổ ETF trong kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 9, dự báo kết quả kinh doanh quý III khả quan và kỳ vọng cổ đông nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn đã giúp giá cổ phiếu tăng trên 40% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, trái với suy luận của nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu VNM gần đây liên tục bị khối ngoại bán ra.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB, một bộ phận quỹ ngoại đã chốt lời khi VNM là “hàng” chiến lược được nắm giữ nhiều năm và vừa qua, VNM đạt mức giá cao nhất, rất hấp dẫn để hiện thực hóa lợi nhuận.
Bán VNM giúp các quỹ cơ cấu lại danh mục và chuẩn bị nguồn vốn cho các cơ hội mới như Sabeco, Habeco. Đặc biệt, khối ngoại đang ưa chuộng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dược, bảo hiểm, nhựa, đồ uống, thực phẩm.
Một yếu tố khác, trước đây, VNM luôn kín room, đồng thời cổ đông nhà nước là SCIC sở hữu tỷ lệ lớn, trên 45%. Do vậy, để các nhà đầu tư ngoại mới có thể tham gia vào VNM thì các nhà đầu tư ngoại hiện hữu phải bán bớt hoặc SCIC thoái vốn.
DMC: lực cầu ngoại đang tăng
Tương tự là trường hợp của DMC, ngay khi Công ty chính thức công bố mở room từ 9/9/2016, nhu cầu của khối ngoại thể hiện khá rõ. Cụ thể, 2 thành viên HĐQT DMC, đại diện cho phần vốn góp của CFR tại DMC đã đăng ký mua thêm tối đa 2 triệu đơn vị. Nếu mua thành công, CFR sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại DMC từ 45,9% lên 51,7%.
Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), cơ cấu cổ đông của DMC khá cô đặc, nếu không có sự thỏa thuận giao dịch giữa các cổ đông, CFR sẽ mất không ít thời gian và chi phí để nâng tỷ lệ sở hữu tại DMC. Hiện tại, ngoài cổ đông lớn thứ hai là SCIC sở hữu 34,7%, DMC còn có các cổ đông tổ chức như Deutsche Bank Aktiengesellschaf & Deutsche Investment Management Americas Inc đang sở hữu gần 4,9%, Quỹ Đầu tư Y tế Bản Việt (VCHF) sở hữu 4,5%.
Tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do của DMC là gần 8%, tương đương khoảng 2,6 triệu đơn vị và khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của DMC là 190.755 cổ phiếu/ngày. Do 2 quỹ đầu tư đang sở hữu cổ phiếu DMC không cần phải đăng ký mua bán do tỷ lệ sở hữu dưới 5%, không ngoại trừ khả năng CFR sẽ thỏa thuận với các cổ đông này để mua khối lượng lớn. Giá cổ phiếu DMC đã tăng hơn 3 lần so với đầu năm, mức P/E dự phóng hơn 23 lần. Bình quân P/E các công ty dược phẩm trong nước và khu vực hiện nay là 15 lần và 30 lần.
Kỳ vọng sửa luật
Nhiều cổ phiếu ngành dược khác, vốn thường xuyên kín room ngoại, cũng đang được nhà đầu tư kỳ vọng sớm mở room lên 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại các doanh nghiệp này khá lớn, khiến khối ngoại khó có cơ hội mua thêm. Chẳng hạn, SCIC đang sở hữu 43,31% DHG, 35,67% TRA. Với IMP, Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) sở hữu 23,75%, tỷ lệ sở hữu này không quá lớn, nên doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mở room ngoại.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết, các doanh nghiệp niêm yết thuộc diện thoái vốn nhà nước đều có động thái sẽ nới room và với quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh thì các doanh nghiệp này đều thuộc ngành nghề không bị hạn chế room ngoại.
“Nếu dự thảo Luật được thông qua, cơ chế mở room ngoại về cơ bản là hoàn thiện. Vấn đề tiếp theo là cách thoái vốn và mức giá sẽ thoái của cổ đông nhà nước”, ông Ngọc nói.