Ông đánh giá thế nào về dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam khi việc nới room chính thức được triển khai từ đầu tháng 9/2015?
Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố tăng hạn mức sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài kể từ tháng 9/2015. Các công ty chứng khoán, quản lý quỹ có thể triển khai ngay việc mở room lên 100%. Còn các ngành nghề khác vẫn đang đợi hướng dẫn cụ thể.
Dự báo, việc nới room sẽ giúp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hút thêm 35.000 - 118.000 tỷ đồng vốn mới đầu tư trong dài hạn. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư của dòng vốn mới phụ thuộc vào sự dịch chuyển của dòng vốn trên thị trường quốc tế và việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Liệu Mỹ có sớm tăng lãi suất, thưa ông?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng chế độ lãi suất thấp từng được áp dụng suốt từ năm 2008 đến nay và bắt đầu cho biết khả năng tăng lãi suất và bình thường hóa lãi suất trong năm nay.
Theo quan điểm của bà Yellen, Chủ tịch Fed, việc tăng lãi suất sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp trong năm nay. Chính lo ngại việc áp dụng lãi suất thấp kéo dài sẽ kéo theo bong bóng tài sản và gia tăng áp lực lạm phát, nên Mỹ buộc phải bình thường hóa lãi suất. Vì thế, nhiều khả năng, mức lãi suất Mỹ sẽ trải qua nhiều đợi tăng trong thời gian tới.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo, mức lãi suất dài hạn hợp lý là 3,75%. Tuy nhiên, khi xem xét mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới thì trong năm nay, biên độ lãi suất Mỹ sẽ tăng không nhiều.
Như vậy, áp lực tỷ giá còn kéo dài và điều đó sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) buộc phải tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới rộng biên độ tỷ giá trước áp lực tăng tỷ giá trong thời gian qua. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá 3 lần, với tổng cộng 3%, đồng thời nới biên độ 2 lần, từ 1% lên 3%. Thâm hụt thương mại tiếp tục kéo dài, khi USD ngày càng mạnh hơn dẫn đến áp lực tăng tỷ giá còn tiếp diễn trong nửa cuối năm nay. Tỷ giá tăng có thể sẽ cản dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong nước.
Rủi ro bên ngoài chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam ở mức hạn chế, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam vững chắc hơn so với các quốc gia mới nổi. Trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,3%, cao hơn so với mức tăng 5,34% của cùng kỳ năm trước. Cả năm nay, GDP dự kiến tăng 6,4%, nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như việc mở rộng đầu tư hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục.
GDP tăng trưởng cao càng củng cố thêm sức mạnh của nền kinh tế. Do nền tảng kinh tế vững chắc, nên việc Mỹ tăng lãi suất sẽ không gây ra cú sốc lớn đối với chứng khoán trong nước. Trong quý IV, nếu lãi suất Mỹ tăng thì dự đoán thời gian và quy mô bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhỏ hơn so với thời kỳ phát sinh những yếu tố bất lợi từ nước ngoài. Kết quả đó cùng với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu việc rút ròng của vốn ngoại đối với chứng khoán Việt Nam. Năm nay, VN-Index chuyển động theo hình chữ V, giữ vững đà tăng sau khi hồi phục trở lại vào tháng 5. Hiện tại, VN-Index duy trì mức trên 600 điểm.
Ông nhận định thế nào về sự hồi phục của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, lợi nhuận tăng 16,9%. Các doanh nghiệp giảm áp lực lãi suất, doanh thu được cải thiện nhờ tác động từ việc giảm giá nguyên vật liệu. Bằng việc ổn định tỷ giá hối đoái, giá nguyên vật liệu giảm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với bất lợi.
Cùng với đó, lãi suất vay vốn giảm, giúp cải thiện lợi nhuận trong 2 quý cuối năm. Từ nay tới cuối năm, về cơ bản, lãi suất sẽ không giảm thêm. Để có thể tồn tại trong quá trình tái cơ cấu tín dụng, các ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô tín dụng. Chính lãi suất cho vay giảm sẽ giúp giảm chi phí lãi cho doanh nghiệp niêm yết, đóng góp vào việc cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2015.