Nới room và kỳ vọng

(ĐTCK) Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết của Việt Nam. Vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể kỳ vọng điều gì từ việc nới room của thị trường Việt Nam?
Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital

Từ góc nhìn của một nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường hơn một thập kỷ qua, chúng tôi cho rằng, việc nới room sẽ mang lại cho thị trường và dòng vốn đầu tư nhiều ảnh hưởng tích cực:

Thứ nhất sẽ giúp cải thiện đánh giá thị trường. Trong nhiều năm, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn ở mức định giá thấp hơn đáng kể so với thị trường các nước khu vực do thanh khoản kém.

Thị trường Việt Nam giao dịch với PE khoảng 13x và với mức chiết khấu dao động trong khoảng 25-35%.

Khi hạn chế về room được tháo gỡ, dự kiến nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia thị trường tích cực hơn trước, cải thiện tính thanh khoản và góp phần thu hẹp mức chiết khấu của thị trường Việt Nam so với khu vực.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Khi thị trường Việt Nam được đánh giá cao hơn, thanh khoản cải thiện hơn, tôi kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân niêm yết.

Đối với chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, mở rộng lựa chọn cho các nhà đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận thông qua đưa công ty niêm yết trên thị trường, nhượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khác hoặc hợp nhất các công ty bằng M&A, đặc biệt là đối với các ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như F&B, bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ chọn giữ cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực mang tính chiến lược như ngân hàng, viễn thông, hàng không và quốc phòng. Tuy nhiên, riêng với ngành ngân hàng, chúng tôi cho rằng, lĩnh vực này sẽ có nhiều tiến triển với kế hoạch từ Chính phủ giảm số lượng ngân hàng thương mại còn một nửa vào năm 2017.

Thứ ba, hoàn thiện chức năng và vai trò của thị trường chứng khoán.

Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 60 tỷ USD, khối lượng giao dịch bình quân hằng ngày khoảng 100 triệu USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia dưới 15% do giới hạn sở hữu. 26 doanh nghiệp lớn đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn hóa lên đến 10,2 tỷ USD, chiếm 17% toàn thị trường. Điều này khiến thị trường thiếu chiều sâu.

Cùng với việc giao dịch trên thị trường chủ yếu là nhà đầu tư trong nước với phần lớn vốn đầu tư dựa vào vay ký quỹ, đây nguyên nhân chính của việc thị trường Việt Nam dễ dàng biến động.

Chúng tôi tin rằng, sự tham gia sâu rộng hơn của nhà đầu tư nước ngoài và nhiều cổ phiếu được niêm yết hơn sẽ giúp thị trường ổn định và lành mạnh hơn.

Mở cửa thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong các tiêu chí chính để cổ phiếu Việt Nam góp mặt trong Chỉ số MSCI về các thị trường mới nổi.

Nghị định 60, với các điều khoản rộng mở hơn, được tin tưởng sẽ giúp Việt Nam thăng hạng thành một thị trường mới nổi theo tiêu chí của MSCI và với việc các cổ phiếu trong MSCI Emerging Market đang thu hút 1.400 tỷ USD vốn đầu tư trên toàn thế giới.

Chúng tôi kỳ vọng, việc tham gia vào MSCI Emerging Market sẽ giúp thị trường Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và có triển vọng tăng 15-20% trong thời gian sắp tới.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục