Nới room, sẽ khó ồ ạt

(ĐTCK) Theo loạt phỏng vấn của phóng viên Đầu tư Chứng khoán với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thì việc nới room sẽ diễn ra thận trọng, dù quyền quyết định nằm chính trong tay doanh nghiệp. Các cổ đông, mà đặc biệt là các ông chủ tư nhân tỏ ra khá cân nhắc trước quyết định “mở cửa”.
Nới room, sẽ khó ồ ạt

Nói quyền nằm trong tay các doanh nghiệp là bởi trong các văn bản luật pháp đã được ban hành và dự kiến ban hành, việc giới hạn room sở hữu nước ngoài chỉ áp dụng với những ngành kinh doanh có điều kiện hoặc những ngành mà luật chuyên ngành có quy định khác. Còn lại quyền chủ động thuộc về các cổ đông.

Để “nhắc nhở” về quyền “mở cửa” sở hữu của mình, chính Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản đề nghị HĐQT các doanh nghiệp chủ động họp trước bàn về việc nới room, sau đó doanh nghiệp nào thấy cần thiết, cấp bách thực hiện ngay thì tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua tỷ lệ room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi có Nghị quyết ĐHCĐ, doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho Ủy ban và Sở giao dịch để điều chỉnh tỷ lệ room trên hệ thống mà không cần một giấy phép hay chấp thuận nào cả.

Một quy trình khá đơn giản để room được mở, chỉ có lưu ý nhỏ về kỹ thuật là việc nới room phải được thông qua tại đại hội cổ đông (có thể là bất thưởng) mà không áp dụng hình thức thức xin ý kiến bằng văn bản.

Hệ thống văn bản pháp luật đã sẵn sàng, cơ quan quản lý đã chủ động, còn các doanh nghiệp…?

Sự phản hồi đến thời điểm này khá khiêm tốn. SSI đã cho biết sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua nới room, HSC thì đã chuẩn bị từ trước với việc xin ĐHCĐ chủ trương và ủy quyền cho HĐQT quyết vấn đề này.

Nhưng 2 cái tên là con số quá lẻ so với gần 700 doanh nghiệp niêm yết.

Trong loạt phỏng vấn của phóng viên Đầu tư Chứng khoán với nhóm doanh nghiệp sản xuất thì câu trả lời hầu hết là sẽ “cân nhắc”. Thậm chí chủ tịch HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất một công ty thép khẳng định: “sẽ chờ một hai năm xem các doanh nghiệp khác làm thế nào”. Còn tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn khác chia sẻ: “Tôi tin là anh ấy (tức Chủ tịch HĐQT) không bao giờ nới room tối đa để cổ đông nước ngoài có cơ hội thâu tóm công ty có tài sản là quỹ đất lớn”. 

Đối với nhóm doanh nghiệp mà cổ đông nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn thì tất nhiên, câu trả lời thậm chí còn chưa có! Trong trường hợp Vinamilk, nhiều cổ đông nhỏ đang băn khoăn liệu tỷ lệ room ngoại có được mở thêm không, khi room hiện tại đã được lấp đầy.

Từ câu chuyện này lại dẫn tới một câu chuyện khác đó là cổ phần hóa, có lẽ ngay từ khâu lên kế hoạch, cơ quan chủ quản doanh nghiệp cần xác định sớm về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau cổ phần hóa là bao nhiêu? Có như vậy mới tránh được tình trạng “níu kéo” nới room sau khi chuyển thành công ty cổ phần bởi lá phiếu của người đại diện vốn từ đơn vị khác tới.

Quay lại với chuyện nới room, có một câu chuyện thời sự được ghi nhận, đó là tại nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, việc nới room không hẳn là một chủ đề được quan tâm bởi có tâm lý “đang tốt sao phải thay đổi”, cũng có những nghi ngại không nhỏ về việc “mở cửa sẽ dễ bị thâu tóm”,…

Để thay đổi độ ì này, có lẽ vẫn cần thêm một thời gian nữa.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục