Có những vụ án chính cán bộ ngân hàng đã tư lợi, lạm quyền gây ra thiệt hại cho ngân hàng, cho doanh nghiệp khác. Nhưng nhiều vụ án, họ bị liên đới trách nhiệm chỉ vì những sai sót nhỏ.
Sếp ngân hàng lĩnh án tử…
Trong số những đại án kết thúc vào năm qua, hai vụ án tham ô xảy ra ở VDB Đắc Nông – Đắc Lắc và Công ty cho thuê tài chính II – ALC II (thuộc Agribank) đều kết thúc bằng phán quyết tử hình đã có hiệu lực pháp lực.
Ở vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra tại VDB Đắc Nông – Đắc Lắc, cựu Giám đốc chi nhánh Vũ Việt Hùng bị cáo buộc đã nhận hối lộ xe BMW và phải nhận mức phạt nghiêm khắc nhất: tử hình. Cũng ở vụ án này, Vũ Việt Hùng đã nhắm mắt ký liều các hợp đồng cho vay tín dụng xuất khẩu lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho một số công ty trên địa bàn. Đương nhiên việc giải ngân cho các hồ sơ vay vốn dựa trên hợp đồng kinh tế khống đã dẫn đến hậu quả thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước.
Trong nhiều ngày xét xử vụ án, ông Hùng liên tục phủ nhận cáo buộc cho rằng xe sang là do bà Mai (bị cáo cùng vụ án, chủ doanh nghiệp) đưa cho “mượn” vì thấy ông Hùng không có xe đi. Với những cáo buộc sai phạm cho vay, ông Hùng đổ cho cấp dưới khi nhận hồ sơ, thẩm định không kỹ để cho doanh nghiệp dùng hợp đồng kinh tế giả, còn ông thì thấy cấp dưới trình lên, hồ sơ đã hoàn thiện nên mới ký.
Nhưng dù là biện giải bằng lẽ nào thì khó ai có thể tin rằng một doanh nghiệp đang có nợ quá hạn tại ngân hàng nay lại “vô tư” cho vị giám đốc chi nhánh “mượn” xe sang mà không có thỏa thuận lợi ích nào khác. Chưa kể chiếc xe sau này còn được sang tên cho con trai ông Hùng cùng với các chứng cứ, tài liệu, lời khai khác trong vụ án đều chỉ ra chính sếp ngân hàng đã nhận hối lộ.
Những lời khai của những bị cáo vốn là các chủ doanh nghiệp ở địa bàn Đắc Nông – Đắc Lắc cho thấy ông Hùng còn đòi phần trăm đối với mỗi hợp đồng tín dụng được giải ngân và một số quà cáp giá trị khác. Tổng số tiền này lên tới 130 tỷ đồng. Tuy nhiên do không có chứng cứ chứng minh nên các cơ quan tố tụng không xét đến.
Năm vừa qua, nguyên Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II – ALC II (thuộc Agribank) cũng bị tuyên phạt mức án tử hình bởi cáo buộc tham ô tài sản. ALC II là công ty cho thuê tài chính, không được thực hiện nghiệp vụ cho vay nhưng giám đốc Vũ Quốc Hảo vẫn thực hiện cho vay núp dưới danh nghĩa cho thuê tài chính và mua bán đầu tư tài sản với số tiền lên tới 795 tỷ đồng. Do sử dụng tiền không đúng mục đích, doanh nghiệp không trả được nợ.
Để lấp liếm khoản nợ này, ông Hảo đã dùng công ty sân sau là CTCP Cát Long Hải, nâng khống giá rồi bán lại ALC II nhằm hợp pháp hóa việc giải ngân. Thiết bị tàu lặn này đã được nâng khống giá từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng.
Ngoài đại án, còn nhiều “tiểu” án khác mà cán bộ ngân hàng đã vì tư lợi cá nhân gây thiệt hại cho ngân hàng, cho khách hàng. Ví dụ như vụ việc Đỗ Anh Tú, cựu nhân viên Ngân hàng S đã dùng sổ tiết kiệm giả để đưa cho khách hàng, còn tiền gửi của khách thì bỏ túi để đánh bạc. Nhân viên này đã dùng phôi sổ tiết kiệm bị lỗi phải hủy bỏ nhưng Tú không hủy mà dùng để in sổ đưa cho khách hàng. Khi hết nguồn phôi sổ lỗi, Tú còn chủ động gửi tiết kiệm 5 – 10 triệu đồng nhưng không in sổ mà giữ lại phôi sổ đó, in cho khách hàng khác để lấy tiền. Nhân viên này đã tham ô hơn 10 tỷ đồng của Ngân hàng và bị tuyên phạt chung thân.
Cũng với thủ đoạn “động tay động chân” với sổ tiết kiệm của khách hàng, cựu nhân viên Ngân hàng H, Vũ Thanh Tùng đã rút gần 25 tỷ đồng. Khi khách hàng mở tài khoản, Tùng lẳng lặng mở thêm Ebanking mà không thông báo cho khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển tiền về tài khoản, đáng lẽ Tùng phải chuyển thành tài khoản tiết kiệm và giao sổ tiết kiệm cho khách hàng nhưng Tùng không thực hiện như vậy mà chuyển tiền vào tài khoản của mình rồi giao sổ tiết kiệm giả cho khách hàng.
Tương tự, từ năm 2009, Lê Minh Hằng, nguyên Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn (Oceanbank) đã rút tiền của khách gửi tiết kiệm ở ngân hàng để cho vay bên ngoài với lãi suất cao hơn, hưởng chênh lệch lãi suất. Hằng đã sử dụng thẻ tiết kiệm lưu của khách làm giả 39 hồ sơ vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm để rút 61 tỷ đồng.
Đến chuyện liên đới chịu trách nhiệm…
Trong năm 2014, pháp đình ghi nhận một vụ việc mà nhân viên ngân hàng, anh Vũ Ngọc Dương có thể đã bị kết án oan. Mặc dù vụ án không liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng mà chỉ là những vay nợ cá nhân, nhưng dù sao đó cũng là một điểm nhấn cho thấy không phải lúc nào nhân viên ngân hàng cũng xuất hiện với thông tin tiêu cực.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ ngân hàng phải ra tòa vì liên đới trách nhiệm trong các vụ án hình sự mà họ không có mục đích tư lợi, không hề hưởng một đồng tiền, một lợi ích nào. Nhưng với quan điểm: khi hành vi phạm tội diễn ra, khi có thiệt hại cho ngân hàng thì phải làm rõ ai, bộ phận nào đã thiếu trách nhiệm, đã vi phạm quy trình, đã cố ý làm trái… dẫn đến hành vi tội phạm có điều kiện xảy ra.
Cũng từ đây, đi kèm các bị cáo chính trong các vụ án tham ô, đưa hối lộ, lừa đảo là hàng loạt các bị cáo từng là nhân viên ngân hàng, bị truy tố vì đã Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm các quy định cho vay của tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…
Tại đại án Huyền Như, trong 23 bị cáo, ngoại trừ bị cáo chính Huyền Như, bị cáo Võ Anh Tuấn đồng phạm, có tới 13 bị cáo là cán bộ ngân hàng bị kết án với các tội danh như Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng…
Tại đại án nghìn tỷ VDB Đắc Nông – Đắc Lắc cũng có 6 cán bộ ngân hàng bị kết án.
Hay như trong vụ án Lê Minh Hằng, ba nhân viên gồm kế toán, thủ quỹ, giao dịch viên dưới quyền Hằng đã bị truy tố với vai trò đồng phạm mặc dù cả 3 nhân viên này đều không hưởng lợi gì. Các nhân viên này thừa nhận có biết việc ký hoàn thiện hồ sơ tín dụng cho vay cầm cố và chứng từ cho vay là trái với quy định về nghiệp vụ tín dụng ngân hàng nhưng vì nể nang, vì là cấp dưới nên đã làm theo chỉ đạo của Hằng.
Nhưng không thiếu trường hợp, chỉ cần có thiệt hại xảy ra, sẽ có nhân viên ngân hàng phải chịu trách nhiệm bất kể là sai sót đó có ý nghĩa quyết định dẫn tới hành vi phạm tội trót lọt hay không! Đó là trường hợp vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Ngân hàng TMCP M, giao dịch viên của Ngân hàng đã tiếp nhận một doanh nghiệp đến mở tài khoản với số tiền 12 tỷ đồng cùng với nguyên tắc mọi giao dịch phải có đủ hai chữ ký của Giám đốc (bị cáo Đặng) và Phó Giám đốc (bà Bích).
Sau khi mở tài khoản, Công ty Dương Hùng đề nghị Ngân hàng M cấp bảo lãnh để mua hàng từ đối tác, ký quỹ là số tiền trong tài khoản. Hết thời hạn, đối tác của Công ty Dương Hùng yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và Ngân hàng đã thực hiện. Nhưng khi tiền được rút ra thì bất ngờ bà Bích, Phó Giám đốc của Công ty Dương Hùng đã yêu cầu Ngân hàng ngừng chuyển tiền và báo cơ quan công an.
Hóa ra, vị trí Phó Giám đốc của bà Bích chỉ là danh nghĩa, thực chất người này đã cho Công ty Dương Hùng “thuê” 12 tỷ đồng để chứng minh năng lực tài chính với đối tác và thỏa thuận tiền trong tài khoản không được sử dụng nếu không có đủ hai chữ ký.
Tại phiên tòa, giao dịch viên đã bị thẩm vấn rất kỹ rằng vì sao lại cho phép Công ty Dương Hùng sử dụng tiền trong tài khoản để ký quỹ cho khoản bảo lãnh khi không có chữ ký của bà Bích?
Nhân viên giao dịch này đã trình bày rằng nếu chị Bích yêu cầu mở tài khoản đồng sở hữu thì đúng là mọi giao dịch buộc phải có đủ chữ ký của các chủ tài khoản mới được thực hiện. Nhưng đây là tài khoản pháp nhân. Nghiệp vụ bảo lãnh không yêu cầu 2 chữ ký. Chỉ cần đại diện theo pháp luật của DN yêu cầu ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh là đủ.
Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định rằng nhân viên này đã Thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại như khi mở tài khoản, thiếu quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc của bà Bích, biết rõ thỏa thuận của bà Bích và bị cáo Đặng nhưng không báo cáo, khi chị Bích gọi điện kiểm tra tài khoản, nhân viên này biết việc số tiền 12 tỷ đồng bị phong tỏa ký quỹ nhưng không thông báo…
Khi thiệt hại xảy ra thì các nhân viên ngân hàng luôn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự là rất lớn dù đó là sai sót nghiệp vụ không có tư lợi hay là hậu quả của việc nghe lệnh sếp.