Nỗi lo tỷ giá và tâm lý nghỉ Tết

(ĐTCK) Mục tiêu trong tuần này của VN-Index nằm tại vùng kháng cự 580 - 585 điểm, của VN30 là 605 điểm và HNX-Index là 86 điểm. 
Diễn biến tỷ giá VND/USD giai đoạn 1993 - 2015 Diễn biến tỷ giá VND/USD giai đoạn 1993 - 2015

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm phần trăm, xuống còn 19,5% hôm thứ Năm tuần trước, trong nỗ lực chống lại sự giảm tốc của của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lạm phát đang suy giảm. Điều này cộng với chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang giúp đồng USD tăng giá trong bối cảnh kinh tế Mỹ vừa có năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010. Sự tăng giá của đồng USD làm dấy lên lo ngại về tỷ giá của những quốc gia có chính sách neo tỷ giá như Việt Nam.

Về nội tại nền kinh tế Việt Nam, với việc nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhập khẩu sẽ gia tăng. Các hiệp ước về hội nhập đã và đang kỳ vọng sẽ được ký kết cũng có nhiều khả năng làm gia tăng nhập siêu trong ngắn hạn. Dự báo, nhập siêu năm 2015 có thể lên đến 8 tỷ USD (so với tình trạng xuất siêu 2 tỷ USD của năm 2014). Bên cạnh cán cân thương mại, kiều hối có thể tăng, phần nào nhờ vào tình hình hồi phục của kinh tế thế giới và việc cho phép người nước ngoài mua nhà. Dòng vốn đầu tư trực tiếp có thể cũng sẽ tăng, nhưng xét xu hướng những năm gần đây, có lẽ cũng chỉ tăng ở mức không quá 2 tỷ USD.

Chiều hướng của dòng vốn đầu tư gián tiếp tương đối khó đoán. Trong khi tình hình kinh tế khởi sắc giúp kéo dòng vốn vào Việt Nam, thì việc nền kinh tế Mỹ hồi phục sẽ là một yếu tố có thể kéo dòng vốn ra. Bên cạnh đó, các vấn đề về thể chế của thị trường vốn tại Việt Nam có thể vẫn sẽ là một điểm làm nhà đầu tư cân nhắc. Một điểm có thể làm giảm lượng ngoại tệ là trả nợ nước ngoài đang tăng dần trong thời gian gần đây.

Ước tính, cân đối ngoại tệ trong cán cân thanh toán năm 2015 có thể giảm 5 - 10 tỷ USD so với năm 2014. Từ phía chính sách, trước hết, với dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD hiện nay, Chính phủ vẫn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá. Nhưng cũng lưu ý, khoản thiếu hụt ước tính nêu trên chiếm gần 1/3 dự trữ ngoại hối, Chính phủ sẽ phải cân nhắc khi quyết định bù đắp toàn bộ từ dự trữ ngoại hối.

Về phương diện thương mại, có lẽ chính sách ngoại hối sẽ là chấp nhận đồng VND yếu đi trong một giới hạn nào đó. Khi đồng VND yếu đi, gánh nặng trả nợ nước ngoài sẽ tăng lên và lạm phát có thể gia tăng. Tuy nhiên, với việc lạm phát đang ở mức thấp và hiện Việt Nam vừa trả nợ, vừa vay nợ nước ngoài, các yếu tố này có lẽ chưa phải là áp lực lớn. Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ không để đồng tiền yếu đi quá nhiều do đặc tính nhập khẩu hiện nay hầu hết là dùng cho sản xuất, trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu. Tóm lại, các áp lực đối với việc tăng tỷ giá trong năm 2015 sẽ cao hơn trong năm 2014.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/cổ phần, lần đầu tiên diễn ra trong hệ thống tài chính Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Mặc dù điều này đặt dấu hỏi rằng, tài sản của hệ thống xấu đến mức nào và có bao nhiêu trường hợp như vậy sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhưng việc quốc hữu hóa là một liều thuốc mạnh, cho thấy sự dũng cảm và cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cấu trúc, làm lành mạnh hệ thống.

Trên TTCK, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (6/2), VN-Index giảm không đáng kể với mức giảm 0,34% so với tuần trước đó, xuống 574,13 điểm. HNX-Index tăng 0,84% trong phiên cuối tuần, nhưng so với cuối tuần trước đó giảm 1,98%, chốt phiên tại 83,87 điểm. Trong tuần, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 64,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.083 tỷ đồng, giảm 37% về lượng và giảm 42% về giá trị so với tuần trước đó. Tương tự, trên sàn HNX, tổng khối lượng giao dịch là 31,2 triêu cổ phiếu, trị giá 426 tỷ đồng, giảm 42,3% về lượng và giảm 30% về giá trị.

Có thể giải thích khối lượng giao dịch khớp lệnh thấp trong tuần qua bằng 2 yếu tố. Một là, tâm lý ngờ vực về khả năng tiếp tục đi lên của thị trường, sự đi lên nhờ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện tại vẫn chưa đủ để tạo tác động lan toả đến các nhóm cổ phiếu khác nên chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia. Hai là, đợt rung lắc giữa tuần trước quá mạnh đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại và bán ra, cộng với Tết Nguyên đán đang cận kề làm nhà đầu tư có tâm lý chưa muốn mua vào.

Mục tiêu trong tuần này của VN-Index nằm tại vùng kháng cự 580 - 585 điểm, của VN30 là 605 điểm và HNX-Index là 86 điểm. Trong trường hợp thị trường tăng điểm và vượt các vùng kháng cự nói trên, các chỉ số sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 600 - 610 điểm đối với VN-Index, 620 - 625 điểm đối với VN30 và 88 - 89 điểm đối với HNX-Index. Đây là tuần giao dịch cuối cùng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ dài. Do vậy, nhiều khả năng diễn biến thị trường trong tuần sẽ không có biến động mạnh và VN-Index có thể chưa vượt được vùng kháng cự 580 - 585 điểm.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục