Sau phiên hồi phục tích cực cuối tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm điểm trở lại trong phiên đầu tuần mới do đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lo ngại lợi suất trái phiếu cao kéo dài ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Lợi suất trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ là 3,1557%, mức cao nhất trong hơn 9 tháng, nhưng cũng thấp hơn đang kể so với mức cao 7 năm, kích hoạt lệnh bán tháo trong tuần trước.
Chính đợt tăng lợi suất trái phiêu này, cùng những kỳ vọng Fed sẽ tăng thêm 1 lần lãi suất nữa vào cuối năm đã khiến phố Wall có tuần giảm mạnh nhất 7 tháng, dù hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần.
Ngoài vấn đề lợi suất trái phiếu, giới đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố dữ liệu vào thứ Hai cho thấy, chính phủ liên bang Mỹ đã đóng cửa năm tài chính 2018 với mức thâm hụt 779 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ năm 2012.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chờ đợi để nghe ngóng động thái từ Fed và dữ liệu kinh tế chính thức từ Trung Quốc xem mọi thứ có ổn định không.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones giảm 89,44 điểm (-0,35%), xuống 25.250,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,34 điểm (-0,59%), xuống 2.750,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 66,15 điểm (-0,88%), xuống 7.430,74 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 22 tháng. Trong tuần trước đó, chứng khoán châu Âu đã có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 do lo ngại cuộc chiến thương mại, lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng mạnh, vấn ngân sách của Ý và bế tắc trong đàm bán Brexit.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 33,31 điểm (+0,48%), lên 7.029,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,35 điểm (+0,78%), lên 11.614,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,90 điểm (-0,02%), xuống 5.095,07 điểm.
Tương tự, sau phiên hồi phục cuối tuần trước, chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm gần 1,9% khi giới đầu tư lo lắng về vấn đề thương mại với Mỹ sau phát biểu của Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ chú ý đến vấn đề tiền tệ, tương tự như NAFTA mới đạt được với Mexico và Canada, và muốn các thỏa thuận thương mại trong tương lai với các nước khác lấy đó làm chuẩn, trong đó không loại bỏ Nhật Bản trong vấn đề này.
Sau phát biểu của ông Mnuchin, đồng yên Nhật tăng vọt, đẩy các cổ phiếu xuất khẩu của Nhật Bản giảm sâu.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng giảm mạnh khi nhà đầu tư chờ đợi các động thái kích thích kinh tế cụ thể của Bắc Kinh.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 423,36 điểm (-1,87%), xuống 23.271,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,81 điểm (-1,49%), xuống 2.568,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 356,43 điểm (-1,38%), xuống 25.445,06 điểm.
Sau khi hạ nhiệt trong phiên cuối tuần trước, giá vàng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới lên mức cao nhất 10 tuần do nhu cầu trú ấn gia tăng sau khi chứng khoán giảm trở lại. Những nỗi lo mới suất hiện về thâm hụt ngân sách của Mỹ, hay mâu thuẫn giữa phương Tây, nhất là Mỹ với Ả Rập Xê út liên quan đến sự mất tích của nhà báo Ả Rập Xê út đang sống lưu vong tại Mỹ, với những cáo buộc đang nghiên về việc Ả Rập Xê út thủ tiêu nhà báo này. Ngoài ra, việc đồng USD giảm mạnh cũng góp sức giúp đẩy giá kim loại quý lên cao.
Kết thúc phiên 15/10, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD (+0,76%), lên 1.226,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 8,7 USD/ounce (+0,71%), lên 1.230,3 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, dù thông tin mới công bố cho thấy, OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong tháng 9, nhưng không đủ bù cho nỗi lo về khả năng giảm sản lượng trong tương lai khi mâu thuẫn giữa Ả Rập Xê út với phương Tây liên quan đến việc nhà báo người Ả Rập Xê út mất tích, khiến giá dầu tiếp tục tăng trong phiên đầu tuần mới. Ngoài ra, việc đồng USD hạ nhiệt cũng góp phần giúp giá dầu duy trì đà tăng.
Kết thúc phiên 15/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD (+0,39%), lên 71,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,33 USD (+0,41%), lên 80,76 USD/thùng.