Nỗi lo thoái thác trách nhiệm qua công ty con

(ĐTCK) Từ vụ việc của Quốc Cường Gia Lai và mới đây là CenGroup đã khiến nhiều khách hàng giao dịch qua các công ty con đang bắt đầu lo...
Nỗi lo thoái thác trách nhiệm qua công ty con

>> CenGroup thoái trách nhiệm “ngoạn mục”!

>> “Tiền lệ” Quốc Cường Gia Lai

 

Câu chuyện của Quốc Cường Gia Lai

Chưa đầy 1 tháng sau ngày TAND Quận 3, TP. HCM tuyên buộc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nhà Quốc Cường (PTN Quốc Cường) - do CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) sở hữu 90% vốn điều lệ, phải bồi thường cho khách hàng số tiền 258 triệu đồng vì chậm bàn giao nhà Dự án Căn hộ cao cấp QCGL 1, Quận 7, TP. HCM, QCGL tuyên bố thoái vốn tại PTN Quốc Cường và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển nhà Hưng Thịnh (Hưng Thịnh, QCGL sở hữu 90% vốn điều lệ).

Sau động thái này, QCGL kiện hủy án sơ thẩm nêu trên với lý do, khi xây dựng chung cư (nơi khách hàng bị chậm tiến độ), Công ty có ký hợp đồng hợp tác với Hưng Thịnh (ngày 30/8/2007), nên phải xem xét trách nhiệm của Hưng Thịnh trong sự việc này. Yêu cầu này đã được Tòa án chấp thuận.

Nếu QCGL không thoái sạch vốn tại 2 công ty con ngay sau khi Tòa tuyên án, đồng thời với việc kéo Hưng Thịnh vào vòng tranh tụng, thì việc Hưng Thịnh hay PTN Quốc Cường thua cuộc, với QCGL đều chịu thiệt hại như nhau. Trong khi đó, khách hàng vẫn có cơ sở tin tưởng về việc mình đang giao dịch với QCGL, thông qua công ty con. Nhưng việc QCGL thoái vốn nêu trên dẫn đến một câu chuyện khác. Giờ đây, khả năng đòi được tiền bồi thường của khách hàng trong sự vụ trên không chỉ phụ thuộc vào bản án của tòa phúc thẩm, mà còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của PTN Quốc Cường và có thể là cả Hưng Thịnh, 2 DN mà có lẽ người mua nhà không biết nhiều hơn thông tin có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và 40 tỷ đồng, từng là công ty con của QCGL.

 

Câu chuyện của CenGroup

Nhiều NĐT nỗ lực gây sức ép lên Công ty Bất động sản Thế Kỷ (CenGroup) nhằm thu hồi vốn đã góp vào Dự án Chung cư Binh đoàn 12, mà họ đã nộp thông qua Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ (QLBĐS Thế Kỷ). Tuy nhiên, ngày 1/10/2013, CenGroup khẳng định không có mối quan hệ nào với QLBĐS Thế Kỷ và CenGroup sẽ không giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lợi ích giữa khách hàng và QLBĐS Thế Kỷ.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện không có cơ sở để quy kết mối quan hệ mẹ con giữa hai DN trên. Tuy nhiên, dựa vào cái tên, mối quan hệ vợ chồng giữa lãnh đạo cấp cao hai bên và theo giới thiệu của nhân viên QLBĐS Thế Kỷ, nhiều NĐT đã ra quyết định góp vốn vào Dự án Chung cư Binh đoàn 12 trên cơ sở tin tưởng QLBĐS Thế Kỷ là công ty con của CenGroup.

 

Nỗi lo về quyền lợi khách hàng

Lập ra pháp nhân mới để quản lý từng dự án riêng biệt là mô hình khá phổ biến. Cách làm này giúp cho mô hình hoạt động của DN phân cấp tốt hơn, ứng biến linh hoạt hơn, thậm chí là hiệu quả hơn. Với những gì đang diễn ra tại QCGL, có ý kiến cho rằng, còn một “lợi ích” nữa cho DN, đó là giới hạn mức thiệt hại thấp nhất trong trường hợp tranh chấp xảy ra, nhưng đây lại là rủi ro cho các đối tác đã tin tưởng vào Công ty mẹ.

Một số NĐT cho biết, họ chắc chắn phải cân nhắc khi mua căn hộ QCGL 1 nếu biết chủ đầu tư là PTN Quốc Cường, một DN “vô danh”, vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Nhưng họ đã an tâm khi tin rằng, chủ đầu tư là QCGL. Do đó, suốt các năm qua, NĐT không có nhu cầu tìm hiểu PTN Quốc Cường lỗ lãi ra sao, để cân nhắc xem nếu có vấn đề phát sinh thì trong vai trò là đối tác, công ty này có thể đáp ứng được hậu quả tài chính phát sinh hay không. Với động thái thoái vốn của QCGL nêu trên, ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho công chúng đầu tư nếu PTN Quốc Cường và Hưng Thịnh thua kiện khách hàng, nhưng âm vốn chủ sở hữu và mất khả năng chi trả?                       

Nỗi lo thoái thác trách nhiệm qua công ty con ảnh 1

Khách hàng và đối tác lo ngại khi DN bị công ty mẹ thoái vốn

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục