Tưởng chừng mọi điều tốt đẹp đã đến với phố Wall sau khi biên bản của FED được đưa ra, giúp các chỉ số chính có phiên tăng mạnh, bù đắp hết, thậm chí dôi ra những gì đã mất ở 2 phiên đầu tuần.
Nhiều nhà đầu tư cũng tin tưởng rằng, sự hồi phục của kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới với các dữ liệu vừa được công bố gần đây như bảng lương phi nông nghiệp, thị trường bán lẻ, doanh số và giá nhà… sẽ giúp vực dậy kinh tế toàn cầu, vốn không được đánh giá cao và vừa bị IMF hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay.
Tuy nhiên, dù lớn nhất thế giới, nhưng kinh tế Mỹ cũng chưa tới 1/4 kinh tế toàn cầu, vì vậy khó lòng một mình gánh vác trọng trách kéo kinh tế thế giới đi lên, nhất là nguy cơ suy thoái đang dần trở thành hiện thực ở châu Âu, trong khi các đầu tàu khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil cũng đang có dầu hiệu chậm lại và cũng gặp những khó khăn riêng.
Do đó, khi thông tin tiêu cực của kinh tế Đức liên tiếp được đưa ra, giới đầu tư phố Wall có lý do để lo ngại về đợt suy thoái mới của kinh tế toàn cầu, vì vậy, đã tranh nhau bán tháo, thậm chí còn mạnh hơn phiên thứ Ba, đẩy phố Wall lao mạnh, giảm tới 2% trong phiên thứ Năm. Trong đó, S&P 500 có ngày giảm tồi tệ nhất trong 6 tháng, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 7/8.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Dow Jones giảm 334,97 điểm (-1,97%), xuống 16.659,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,68 điểm (-2,07%), xuống 1.928,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 90,26 điểm (-2,02%), xuống 4.378,34 điểm.
Theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Năm cho thấy, xuất khẩu của Đức giảm 5,8% trong tháng 8, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009. Trước đó, đơn đặt hàng mới, sản lượng sản xuất công nghiệp cũng lần lượt được công bố với kết quả cũng tệ hại không kém.
Đức là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu, vì vậy, nên kinh tế này yếu kém cho thấy kinh tế khu vực này đang đối mặt với khả năng một đợt suy thoái mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu, mà còn làm lây ra cả thế giới, nhất là những nền kinh tế lớn khác vốn đang không khỏe mạnh.
Do đó, khi những thông tin này đưa ra ngay lập tức khiến chứng khoán châu Âu đang hứng khởi với biên bản cuộc họp của FED được đưa ra ngày trước bỗng chốc quay đầu lao dốc vào cuối phiên.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,39 điểm (-0,78%), xuống 6.431,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,69 điểm (+0,11%), lên 9.005,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 26,67 điểm (-0,64%), xuống 4.141,45 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù có phản ứng tích cực trước thông tin từ biên bản cuộc họp của FED được công bố, nhưng sau đó chứng khoán Nhật Bản đã nhanh chóng đảo chiều giảm điểm khi thông tin trên khiến đồng USD giảm so với đồng yên, gây tác động không tốt lên các doanh nghiệp và kinh tế vốn thiên về xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại có phản ứng tích cực với thông tin từ FED được công bố đêm hôm trước đó.
Kết thúc phiên 9/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 117,05 điểm (-0,75%), xuống 15.478,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 271,20 điểm (+1,17%), lên 23.534,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 6,58 điểm (+0,28), lên 2.389,37 điểm.
Trong khi chứng khoán bị bán tháo do lo sợ về suy giảm kinh tế toàn cầu, thì vai trò nơi trú ẩn an toàn của vàng lại được nâng cao. Vì vậy, giá kim loại quý này tiếp tục tăng ngày thứ tư liên tiếp trong tuần và nhiều khả năng vàng sẽ có tuần tăng trọn vẹn, vượt dự báo của các chuyên gia, giới phân tích và đầu tư đưa ra cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 9/10, giá vàng giao ngay tăng 2,10 USD (+0,17%), lên 1.223,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 19,3 USD (+1,6%), lên 1.225,3 USD/ounce.
Dữ liệu kinh tế yếu kém từ Đức và lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo giá dầu đi xuống, bất chấp đồng USD giảm giá. Cả giá dầu thô thị trường Mỹ và dầu thô Brent đều giảm xuống mức thấp nhất gần 2 năm.
Kết thúc phiên 9/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,54 USD (-1,80%), xuống 85,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,33 USD (-1,48%), xuống 90,05 USD/thùng.