Nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng: Ngân hàng sẽ giải ngân?

(ĐTCK) Đối tượng và thời gian vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa được nới rộng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chứng minh khả năng trả nợ vẫn là điểm ách tắc trong giải ngân.
Ngân hàng muốn đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, song vẫn ngại rủi ro Ngân hàng muốn đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, song vẫn ngại rủi ro

Vẫn khó đáp ứng điều kiện giải ngân

Nhằm tạo điều kiện trong việc đẩy mạnh giải ngân gói vốn hỗ trợ lãi suất 5%/năm cho người có thu nhập thấp mua nhà ở, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Đây là động thái tốt, tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận được là ngân hàng rất thận trọng khi cho vay và để được vay vốn, khách hàng phải có 30% vốn tự có, chứng minh khả năng trả nợ.

Lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh TP. HCM cho biết, Ngân hàng sẵn sàng cung ứng nhu cầu vốn cho những khách hàng đáp ứng được điều kiện tín dụng và không chỉ với gói 30.000 tỷ đồng, mà hiện Vietcombank còn triển khai nhiều gói tín dụng khác cho khách hàng cá nhân mua nhà.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ngân hàng ồ ạt đẩy vốn cho vay, dù đang rất muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Bởi lẽ, rủi ro nợ xấu gia tăng nên muốn vay được vốn, ngoài tài sản đảm bảo, người vay phải chứng minh được thu nhập cũng như khả năng trả nợ.

Một lãnh đạo BIDV chia sẻ, đến nay, Ngân hàng nhận được nhiều hồ sơ của khách hàng vay vốn, nhất là kể từ sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn về gói vốn 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, số hồ sơ được giải ngân chưa nhiều. Đối tượng được tiếp cận khoản vay chủ yếu là những người có nhu cầu về nhà ở thực sự, nhưng thu nhập và khả năng trả nợ hạn chế.

Ông Vũ Ngọc Kình, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh TP. HCM cho rằng, không ít hồ sơ vay vốn của cá nhân không đáp ứng đủ điều kiện vay. Với khách hàng doanh nghiệp, khi mới triển khai gói tín dụng ưu đãi, nhiều khách hàng đăng ký vay, nhưng sau đó từ từ rút lui.

Vì để có được đất sạch đầu tư dự án nhà ở xã hội và căn hộ thương mại theo tiêu chí về diện tích cũng như giá bán của gói 30.000 tỷ đồng, trước đó doanh nghiệp đã bỏ vốn ra trả cho người dân, giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, hầu hết chung cư của các doanh nghiệp xây dựng đều có diện tích hơn 90 m2 và giá bán trên 15 triệu đồng/m2. Mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 chỉ có những dự án ở vùng ven. Trong khi đó, người có nhu cầu về nhà ở lại tập trung ở đô thị và rất khó chứng minh được nguồn thu nhập ổn định để trả nợ vay. Do đó, đến thời điểm này, số vốn giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh TP. HCM mới chỉ đạt vài trăm tỷ đồng.

Cần tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ

“Người thu nhập thấp phải chứng minh khả năng trả nợ khoản tiền vay lớn hầu như là bất khả thi. Vì thế, điểm mấu chốt cần giải tỏa là làm thế nào để được ngân hàng cho vay tiền. Còn phía Bộ Xây dựng đã nới rộng những quy định, có sự thông thoáng, không có gì là khó khăn”, một chuyên gia bất động sản nói.

Đó cũng chính là lý do khiến dư nợ tín dụng của gói vốn ưu đãi lãi suất vay mua nhà tăng chậm, sau gần 2 năm mới chỉ đạt xấp xỉ 7%.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thời hạn cho vay được kéo dài 15 năm, đối tượng tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng được nới rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu nhà ở. Thế nhưng, tiếp cận được nguồn vốn này là không dễ dàng. Yêu cầu trước hết đối với ngân hàng là phải đáp ứng được điều kiện tín dụng. Trong khi đó, khách hàng cá nhân thu nhập thấp rất khó chứng minh được nguồn thu nhập ổn định để trả nợ. Vì thế, ách tắc vẫn là ở chỗ ngân hàng ngại nợ xấu.

Nhiều ý kiến đánh giá, do tiêu chí của hai bên không gặp nhau: bên đi vay muốn vay, nhưng thiếu điều kiện, còn bên cho vay muốn cho vay, song ngại rủi ro, nên không thể giải ngân. Do đó, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chỉ có thể được đẩy nhanh khi các NHTM bị “ép”, nhưng điều này thể hiện sự thiếu bền vững. Vì tiền cho vay vẫn là tiền của chính các NHTM huy động từ dân cư nên họ phải bảo đảm không rơi vào nợ xấu. Các NHTM sẽ lọc nhóm đối tượng được vay, chỉ những người ở nhóm trên cùng của diện được vay mới có thể vay được, vì nhóm này có khả năng trả nợ.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với thị trường bất động sản, Chính phủ đưa ra gói vốn 30.000 tỷ đồng, giảm dần lãi suất cho vay, tăng thời hạn trả nợ và mở rộng đối tượng được tiếp cận… để thu hút người vay. Tuy nhiên, đó là những biện pháp hỗ trợ và kích thị trường đang có sức mua ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, chứ không thể phá ngay tảng băng bất động sản. Đồng thời, điều đó cũng không có nghĩa là khuyến khích ngân hàng ổ ạt đẩy vốn ra thị trường để kích thích sức cầu mà không kiểm soát được chất lượng nợ.

“Cái gì được ưu đãi thì kèm theo là các điều kiện khá chặt chẽ”, TS. Lịch nói và cho rằng, trong các đối tượng cá nhân được tiếp cận vay vốn ưu đãi lãi suất mua nhà, không nên kỳ vọng vào đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà. Bởi lẽ, thu nhập của đối tượng này chỉ đủ trang trải chi tiêu hàng tháng, rất khó để họ vay vốn mua nhà, dù nguồn vốn được hỗ trợ 70%. Vì thế, ngoài các đối tượng được mở rộng, cần tăng nguồn cung về nhà ở, căn hộ chung cư giá rẻ, tổng giá trị dưới 1 tỷ đồng và phù hợp với người mua về vị trí địa lý.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục