"Nỗi đau" mua nhà chưa giải chấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại TP.HCM, nhiều dự án sau hàng chục năm bán cho khách hàng, chủ đầu tư vẫn cầm cố tại ngân hàng, không chịu giải chấp để làm sổ hồng cho người mua.
Chung cư 4s Linh Đông hiện chưa được giải chấp nên cư dân chưa thể làm sổ hồng Chung cư 4s Linh Đông hiện chưa được giải chấp nên cư dân chưa thể làm sổ hồng

Mới đây, tập thể cư dân Chung cư 4s Linh Đông (phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đồng loạt ký vào đơn đề nghị xóa thế chấp gửi BIDV - Chi nhánh 3/2 và Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc - chủ đầu tư dự án, sau khi thấy “Hệ thống đăng ký trực tuyến” Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đăng thông tin các căn hộ trong dự án theo danh sách đang bị Công ty Thành Trường Lộc thế chấp tại BIDV - Chi nhánh 3/2.

Chị Vân, một cư dân tại dự án cho hay, nhận được thông tin, các cư dân ở đây như “ngồi trên lửa” bởi đã ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư, hoặc nhận chuyển nhượng lại căn hộ thông qua hợp đồng công chứng và chủ đầu tư xác nhận mua bán. Thậm chí, khách hàng đã thanh toán 100% tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký.

“Vậy tại sao căn hộ vẫn bị thế chấp và nhận thế chấp từ tổ chức tín dụng. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư”, cư dân này nói và cho biết thêm, đại diện cư dân là Ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản, email cho Công ty Thành Trường Lộc để yêu cầu cung cấp văn bản giải chấp quyền thu căn hộ nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, chủ đầu tư cho biết đã gửi toàn bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán cho ngân hàng để xóa thế chấp. Do đó, ngân hàng sẽ cung cấp văn bản liên quan đến thế chấp và nhận thế chấp quyền thu căn hộ, đồng thời tiến hành giải chấp căn hộ cho cư dân.

Mới đây, ông Bùi Đình Chung, đại diện BIDV - Chi nhánh 3/2 có buổi làm việc với cư dân Chung cư 4s Linh Đông và cam kết sẽ phối hợp với chủ đầu tư, ban quản trị để giải quyết các yêu cầu chính đáng của cư dân.

Tuy nhiên, điều khiến cư dân ở đây không khỏi bức xúc là Công ty Thành Trường Lộc luôn vắng mặt trong các buổi làm việc. Chẳng hạn, tại buổi gặp mặt gần đây, chủ đầu tư này lấy lý do “nhân sự mỏng, trong khi khối lượng công việc cần xử lý nhiều nên không tham dự được”.

Trên thực tế, Chung cư 4s Linh Đông chỉ là một trong nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng và chưa được giải chấp khiến người mua không được cấp sổ hồng. Báo cáo kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của HĐND TP.HCM mới đây cho biết, trên địa bàn Thành phố có 60 dự án nhà ở đang bị chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng, trong đó 41 dự án thế chấp trong giai đoạn 2016-2023.

Những dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà bị đem thế chấp ngân hàng từ trước đó có thể kể đến là Khu dân cư Phú Hữu, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức (thế chấp năm 2005); Chung cư Bảy Hiền, quận 11 (năm 2008); Chung cư Minh Thành, quận 7 (năm 2010); Chung cư Phú Thạnh, quận Tân Phú (năm 2010); Chung cư Tân Hồng Ngọc, quận Tân Phú (năm 2010); Chung cư Khang Gia Tân Hương, quận Tân Phú (năm 2011); Chung cư Avila, quận 8 (năm 2016); dự án Dreamhome Luxury, quận Gò Vấp (năm 2015)…

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình trạng chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp nhưng chưa giải chấp diễn ra khá phổ biến, Thành phố sẽ cố gắng minh bạch thông tin tối đa để người dân biết, đồng thời tăng cường xử lý vi phạm. UBND Thành phố sẽ giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng làm việc với các ngân hàng, nắm lại các danh sách thế chấp, giải chấp để giải quyết vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Xét ở góc độ pháp lý, Luật Nhà ở 2014 cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phát triển dự án. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh, mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng (trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý), chủ đầu tư phải giải chấp bất động sản này.

“Nếu chủ đầu tư đã cầm cố ngân hàng để vay tiền nhưng cố tình không giải chấp, che giấu khách hàng để ký kết hợp đồng thỏa thuận nhằm huy động vốn có thể quy vào hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu xử lý trách nhiệm hình sự”, luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM cho hay.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục