Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do giá dầu mỏ, nguồn thu xuất khẩu chủ chốt của quốc gia này, đã giảm từ mức hơn 100 USD năm 2014, xuống chỉ còn quanh ngưỡng 30 USD/thùng như hiện nay. Bên cạnh đó, đồng ruble của Nga cũng mất giá khoảng 60% so với đồng USD kể từ năm 2013.
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công cộng Nga, có tới 49% người dân được hỏi lo sợ quốc gia này sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế giống như hồi năm 1998. Hầu hết trong số họ (68%) trên thực tế vẫn chưa vượt qua được những hậu quả từ tình trạng nợ nần.
Dưới đây là những lĩnh vực mà người dân Nga cảm nhận rõ nét nhất khi nền kinh tế suy giảm:
1. Thu nhập cá nhân
Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động Nga đã giảm 10%, xuống chỉ còn 30.000 ruble (380 USD) trong giai đoạn từ tháng 1 - 12 năm ngoái, theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ. Con số này chỉ bằng một nửa so với mức lương tương ứng của năm 2013.
Theo nhà kinh tế Andrei Movchan tại Trung tâm tư vấn chính sách Carnegie Moscow, tầng lớp trung lưu và những người nghèo là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Bên cạnh đó, số người Nga sống dưới chuẩn nghèo đã tăng tới 16%, lên mức 23 triệu người từ tháng 1 - 4/2015, giai đoạn gần nhất số liệu này được công bố.
2. Lương thực
Giá cả tăng cao buộc người dân Nga phải “thắt lưng buộc bụng”, hoặc phải chuyển hướng sang các cửa hàng tiện ích giá rẻ. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, giá thực phẩm tại nước này đã tăng 14% trong năm 2015. Trong khi đó, một số nhà phân tích thậm chí ước tính rằng, mức tăng giá thực phẩm thực tế ở mức ít nhất 30%.
Tình hình càng trở nên tệ hơn kể từ sau khi Điện Kremlin áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm phương Tây hồi năm 2014, giai đoạn cao điểm trong căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine.
3. Thuế
Trong bối cảnh chính quyền Moskva đang phải vật lộn để hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách, đồng thời vẫn phải tăng chi tiêu cho quốc phòng và các hoạt động an ninh, nhiều khả năng là Nga sẽ phải tăng thuế. Hiện Chính phủ Nga đã áp đặt một số biểu thuế mới, trong đó có tăng phí cầu đường, song đã vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều tài xế xe tải trên khắp đất nước.
Một số nhà phân tích dự đoán, những đợt tăng thuế mạnh mẽ tại Nga có thể diễn ra vào năm 2017.
4. Thiết bị công nghệ
Điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy tính bảng thường là là những sản phẩm công nghệ được tiêu thụ rất mạnh thời kỳ kinh tế phát đạt. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang buộc người dân Nga phải “xa rời” thói quen mua sắm và hưởng thụ này.
Một chiếc iPhone 6S 64GB hiện có giá bằng hai tháng lương trung bình của người dân Nga, trong khi một chiếc MacBook Pro có giá tương ứng tới 4 tháng lương trung bình.
5. Xe hơi
Theo số liệu của Hiệp hội kinh doanh châu Âu, doanh số bán ô tô tại Nga đã giảm tới 35% trong năm 2015, một con số đáng buồn cho các nhà sản xuất và kinh doanh mặt hàng này.
6. Giá bất động sản
Bong bóng bất động sản tại Nga trên thực tế đã vỡ từ giai đoạn năm 2000. Giá nhà tại Moskva hiện giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, theo khảo sát của mạng tin kinh doanh RBC.ru hồi đầu tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, giá bất động sản tại thủ đô Moskva vẫn khá đắt đỏ.
Để mua một căn hộ trung bình tại đây, người dân thông thường phải tiết kiệm toàn bộ số tiền kiếm được trong 10 năm.