Nỗi đau chia đều trên thị trường dầu mỏ

(ĐTCK) Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, tuy nhiên, thị trường đảm bảo rằng nỗi đau sẽ được san sẻ đều cho mọi doanh nghiệp ngành này trên toàn cầu.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Các nhà sản xuất dầu tại Mỹ đang phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức mà các thành viên thị trường vẫn nghĩ. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ thực tế đang chịu nỗi đau tương đương với các đồng nghiệp tại Ả Rập Xê út, Nga, cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác.

Hai báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu tại Mỹ hiện vào khoảng 11,6 triệu thùng/ngày, giảm 1,2 - 1,4 triệu thùng/ngày so với mức trung bình vào cuối mùa đông năm ngoái, tương đương mức giảm 10%.

Để có cái nhìn tổng quan, hãy so sánh với các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cắt giảm sản lượng - những nhà sản xuất trong tháng trước đồng ý sẽ hạ lượng dầu đầu ra khoảng 22% so với mức đạt được vào tháng 10/2018.

Những số liệu đầu tiên mà Bloomberg thu nhập được cho thấy, Ả Rập Xê út đã nhanh chóng và có bước cắt giảm mạnh nhất, tiến gần tới mục tiêu kể trên, trong khi một số quốc gia khác như Iraq bị tụt lại phía sau. Mặc dù vậy, tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, bao gồm Iraq đều đã tiến gần tới mức cắt giảm 22%.

So với mức giảm 10% của doanh nghiệp Mỹ, dễ có cảm giác những đối tượng này phần nào ít chịu thiệt hại hơn.

Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế, bởi số liệu của EIA thường được tính toán theo cách: lượng dầu đưa vào chuỗi cung ứng tương đương với sản lượng đầu ra.

Trong khi đó, hai con số này có thể chênh lệch rất lớn, khi lượng dầu đưa vào chuỗi cung ứng có thể xuất phát từ sản xuất, nhập khẩu, lấy từ kho dự trữ…

Theo tính toán của Bloomberg, hiện tại, các công ty dầu Mỹ đang bơm ra thị trường khoảng 10,6 triệu thùng dầu/ngày, tức giảm khoảng 2,4 triệu thùng/ngày, tương đương 18%. Mức cắt giảm này cũng khá gần với con số 22% mà OPEC và các đồng minh đang thực hiện.

Nỗi đau chia đều trên thị trường dầu mỏ ảnh 1

Một số chứng cứ khác cũng thể hiện, mức sản xuất của các công ty dầu mỏ Mỹ còn thấp hơn nữa.

Chẳng hạn, số lượng các giàn khoan dầu đang hoạt động ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 tới nay, thấp hơn cả thời điểm 2016 khi giá dầu sụt giảm chấm dứt đà bùng nổ đầu tiên của dầu đá phiến.

Consultancy Facts Global Energy vừa công bố báo cáo cho rằng, sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày cho tới cuối tháng 6. Con số này khá hợp lý với diễn tiến thực tại.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đã vượt qua ngưỡng 30 USD/thùng lần đầu tiên trong 2 tháng qua, xuất phát từ việc các nhà sản xuất đang hạ sản lượng, giúp cân bằng tình hình cung - cầu trên thị trường.

Nhận định về diễn biến này, Daniel Hyness, chiến lược gia cấp cao thị trường hàng hóa tại ANZ Banking Group Ltd cho rằng: “Đà giảm sản lượng mạnh của các nhà sản xuất tại Mỹ đã phần nào làm dịu bớt áp lực cho cả hệ thống cung ứng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ không rơi xuống dưới 20 USD/thùng, trừ khi có những biến động dữ dội tại các nền kinh tế lớn”.

Trong khi đó, ở góc nhìn thận trọng hơn, giá dầu sẽ khó lòng hồi phục tích cực nếu tình hình đại dịch có diễn biến xấu.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FeD) Jerome Powell đã lên tiếng cảnh báo, chứng khoán và các thị trường tài sản khác đã tăng trưởng mạnh trong 1 tháng qua. Tuy nhiên, khả năng đối diện với mất mát lớn vẫn hiện hữu nếu cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 không có bước tiến.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục