Trong chừng mực nợ xấu thấp, thường các NHTM tự xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro hoặc các biện pháp tái cơ cấu nợ trong khung khổ luật pháp hiện hành. Tuy nhiên, khi nợ xấu đã ở mức cao trên 5% và phạm vi rộng ở hầu hết các NHTM và các DN, thì vượt ra ngoài khả năng xử lý của hệ thống ngân hàng và trở thành một nhiệm vụ nặng nề của chính phủ. Trong trường hợp đó, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi một ngân sách rất lớn và khung pháp lý vượt ra ngoài các quy định hiện hành.
Chính vì vậy, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xử lý nợ xấu thường thuộc trách nhiệm của chính phủ và được giao cho một công ty xử lý nợ tập trung, thường được gọi là công ty quản lý tài sản quốc gia, đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan giám sát tài chính quốc gia hoặc bộ tài chính. Cơ quan này cũng được phép mua bán nợ theo các quy định đặc biệt vượt ra ngoài khung pháp lý hiện hành.
Ví dụ, quyền được thay mặt chủ nợ; quyền được bán nợ mà không cần có ý kiến của con nợ; quyền được sang tên hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để đảm bảo xử lý nợ có hiệu quả; quyền được đầu tư, tái cấu trúc hoặc quản lý toàn bộ các công ty hoặc tài sản đảm bảo theo những quy định đặc biệt dành riêng cho việc xử lý nợ và phát triển thị trường nợ trong một thời hạn nhất định…
Khi hệ thống ngân hàng được củng cố và quá trình xử lý nợ kết thúc, các công ty xử lý nợ tập trung có thể được chuyển đổi thành ngân hàng đầu tư phát triển hoặc các quỹ đầu tư rủi ro. Vì vậy, cách thức xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay không dùng tiền ngân sách, không có các quyền lực đặc biệt dành riêng cho việc xử lý nợ tập trung là một hiện tượng đặc thù đối với các thể chế tài chính trên thế giới:
- Nguồn lực tài chính chủ yếu là từ các NHTM: quỹ dự phòng rủi ro và cái gọi là trái phiếu đặc biệt của Ngân hàng Trung ương - trên thực tế là chứng chỉ mua nợ có kỳ hạn (debt repurchase), sau 5 năm hoặc 10 năm, khoản nợ này bắt buộc các NHTM phải mua lại.
-Chính phủ và NHNN cũng nới lỏng các quy định cho phép các NHTM hoặc Công ty Quản lý tài sản tái cơ cấu nợ (giãn, hoãn hoặc giảm lãi suất tùy thuộc vào tình hình sản xuất - kinh doanh của DN). Tuy nhiên, đây là biện pháp ít có hiệu quả trong điều kiện kinh tế suy giảm, thị trường đình trệ và các DN phá sản hàng loạt.
-Trên thực tế, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các NHTM không có các công cụ pháp lý đặc biệt để mua nợ, bán nợ trên nguyên tắc quyền của chủ nợ đối với con nợ, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến giá mua, giá bán, sang tên, đổi chủ và quyền quản lý tài sản thế chấp, quyền được giảm nợ hoặc xóa nợ, quyền tố tụng và thi hành án. Tất cả các quy định này đều nằm ngoài phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của NHNN và các TCTD. Nghị định 34 sửa đổi bổ sung Nghị định 53 và Thông tư 14 hướng dẫn thi hành Nghị định 34 đều chỉ giới hạn trong khuôn khổ luật pháp hiện hành hoặc thẩm quyền nới lỏng các quy định thuộc NHNN và Chính phủ, như VAMC được phát hành trái phiếu thông thường, được mua, bán nợ theo giá thị trường, được tăng vốn điều lệ, được kéo dài thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD.
-Bản thân VAMC, năng lực thể chế cũng còn rất hạn chế cả về nhân lực, phương tiện hoạt động, môi trường pháp lý và kinh nghiệm xử lý nợ xấu. Thậm chí, VAMC đã ra đời trên 2 năm vẫn chưa có cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế tiền lương để hoạt động bình thường, mặc dù đây là những vấn đề đã có các quy định hoặc thông lệ cho phép.
Những hạn chế nêu trên cho thấy, nhận thức về xử lý nợ xấu chưa đủ tầm nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan có liên quan đến nguồn lực tài chính và khung pháp lý cũng không được quy định rõ ràng, mà trên thực tế toàn bộ gánh nặng về xử lý nợ xấu đặt lên vai NHNN, vốn dĩ không phải là một cơ quan có ngân sách phù hợp và cũng không phải là cơ quan có quyền lực phù hợp cho việc xử lý nợ xấu.
Chính vì vậy, việc xử lý nợ xấu mặc dù đã có những tiến bộ quan trọng, đã được NHNN và các NHTM nỗ lực thực hiện để làm sạch bảng cân đối tài sản của các NHTM, giúp họ mở rộng tín dụng, giúp DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nhưng nợ xấu vẫn còn khá lớn ở một số NHTM và ở VAMC chưa được bán, thanh lý triệt để.
Điều này cho thấy, việc xử lý nợ xấu vẫn còn là vấn đề lớn của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng trong những năm tới. Việc không đủ các phương tiện cần thiết (tài chính, pháp lý, năng lực thể chế) dẫn đến kéo dài thời gian xử lý nợ xấu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, an toàn hệ thống tài chính và cấu phần hiện đại hóa công nghệ đổi mới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã quy định.
Chưa kể những tác động xấu của việc kéo dài xử lý nợ xấu dẫn đến những khó khăn lớn về phục hồi kinh tế, sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời và tính ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt là lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.