Nợ xấu phân hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng có nợ xấu gia tăng, nhưng không ít nhà băng khác giảm được nợ xấu, nhất là nợ tái cơ cấu.
Lợi nhuận một số ngân hàng năm 2022 phụ thuộc không nhỏ vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu. Ảnh: Dũng Minh Lợi nhuận một số ngân hàng năm 2022 phụ thuộc không nhỏ vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu. Ảnh: Dũng Minh

Nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm mạnh

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính đến cuối quý II/2022 chỉ còn 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 1.600 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2022.

Tại ACB, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này duy trì ở mức thấp, cuối quý II/2022 là 0,76%. Lãnh đạo ACB cho hay, dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh giảm 25% sau 6 tháng đầu năm 2022, xuống 13.000 tỷ đồng, chiếm 3% tổng dư nợ. Đây là lý do chính khiến ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm nay của ACB đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh, thu nhập phí dịch vụ gia tăng, thu hồi được nhiều nợ xấu và hoàn nhập dự phòng cho vay.

Tương tự, lãnh đạo Eximbank cho biết, nhờ sức khỏe nhiều doanh nghiệp dần hồi phục sau dịch nên các khoản nợ tái cơ cấu giảm dần, kéo dự phòng đi xuống. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Eximbank giảm được 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích lập hơn 288 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay giảm từ 1,96% đầu năm 2022 xuống 1,88% tính đến cuối tháng 6. Trong nửa đầu năm 2022, Eximbank lãi trước thuế gần 1.903 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 76% kế hoạch cả năm là 2.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, các khách hàng được cơ cấu lại nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN ghi nhận sự phục hồi tốt sau dịch Covid-19. Số dư nợ gốc đã cơ cấu giảm hơn 30% trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, làm giảm áp lực lên trích lập dự phòng.

Tại Sacombank, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh 6 tháng đầu năm 2022, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,47% cuối năm 2021 về 1,22% cuối tháng 6/2022. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa là hoàn thành tái cơ cấu.

Tổng số dư nợ xấu tăng cao

Sau 6 tháng đầu năm 2022, không ít ngân hàng có dư nợ xấu giảm như Sacombank, HDBank, MSB, Viet A Bank, PG Bank, Nam A Bank, Bac A Bank, Eximbank... Tuy nhiên, tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2022 của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên là 150.232 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021.

Xét về số dư tuyệt đối, Agribank có số dư nợ xấu cao nhất, với gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 22%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 19.375 tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng từ 1,87% lên 2,16%.

Dư nợ xấu cao thứ hai là VPBank, với 20.625 tỷ đồng, tăng 27%; tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 5%. Nguyên nhân là dư nợ thuộc Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit (VPBank sở hữu 51% vốn điều lệ) gia tăng. Xét riêng tại ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu hơn 8.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,83%.

Dư nợ xấu cao thứ ba là VietinBank, với 16.667 tỷ đồng, tăng 33,4%; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,11% lên 1,35%.

Tiếp theo là BIDV, dư nợ xấu tăng 11,8%, lên 15.140 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nhích từ 1% lên 1,05%. Vietcombank có số dư nợ xấu 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4%, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,64% xuống 0,61%.

Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, nợ xấu sẽ tiếp tục phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, bộ đệm dự phòng dày sẽ ít chịu rủi ro hơn. Tuy nhiên, nợ xấu tăng khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn trước, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report, 45,5% số ngân hàng dự kiến gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% duy trì mức trích lập như năm ngoái, chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu) bình quân của 28 ngân hàng niêm yết và Agribank cuối năm 2021 là 150%, cuối quý I/2022 là 149%.

Tính đến cuối tháng 6/2022, ACB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 185%. Tỷ lệ này tại Techcombank là 171,6%. Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống hiện nay là Vietcombank, đạt 506% (cuối năm 2021 là 424%).

Các chuyên gia của FiinGroup nhận định, áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ gia tăng đối với nhóm ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Thị trường trái phiếu gặp khó khăn và sức khỏe nhóm doanh nghiệp địa ốc có nguy cơ yếu đi sẽ tạo thêm thách thức đối với khả năng tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng dự báo, nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng từ mức 1,9% cuối năm 2021 lên 2%, còn nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) giảm từ mức 7,31% xuống khoảng 6%. Sở dĩ nợ xấu gộp có khả năng giảm vì kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn kỳ vọng, giúp nợ xấu tiềm ẩn giảm.

Các nhà phân tích nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 phần lớn phụ thuộc vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận.

Nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Chính sách trên đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc không chuyển nhóm nợ khiến nợ xấu tích tụ, nợ xấu của các ngân hàng trên thực tế cao hơn so với số liệu trong sổ sách kế toán. Mặc dù vậy, trong hàng triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nợ cơ cấu chỉ chiếm khoảng 300.000 tỷ đồng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục