Nợ xấu gia tăng: Rủi ro hay “của để dành” của các ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, song nợ xấu có dấu hiệu tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Nợ xấu gia tăng: Rủi ro hay “của để dành” của các ngân hàng?

Những ngân hàng “ôm nợ” lớn nhất

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với mức tăng trưởng khả quan. Theo thống kê của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế quý này của 23/27 ngân hàng (đại diện 97% vốn hóa toàn ngành) tăng 33,4% so với cùng kỳ. Liên tiếp các kỷ lục lợi nhuận ngân hàng được xác lập.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng và thu từ hoạt động này chiếm 80% thu nhập của các ngân hàng. Thế nhưng, cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận, tín dụng tăng nhanh cũng kéo theo nợ xấu tăng mạnh.

Trong các ngân hàng TMCP đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, xét về giá trị tuyệt đối, top 3 ngân hàng có lượng nợ xấu tuyệt đối “khủng” nhất hệ thống là VPBank, VietinBank và BIDV.

Trong đó, VPBank là ngân hàng có số lượng nợ xấu tuyệt đối lớn nhất, với hơn 20.000 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 20,6% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 143%. Phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó nợ mất vốn của ngân hàng mẹ chỉ 1.000 tỷ đồng.

VietinBank là ngân hàng xếp thứ nhì về số nợ xấu tuyệt đối (16.650 tỷ đồng). Mặc dù nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 giảm đáng kể, nhưng nợ nhóm 5 tăng tới 128% khiến VietinBank vẫn giữ nguyên thứ hạng về nợ xấu so với quý I/2022.

BIDV từng là quán quân nợ xấu khối ngân hàng TMCP, nay đã tụt hạng đáng kể, đứng vị trí thứ ba với trên 15.100 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 (tăng 1,5 lần), nợ có khả năng mất vốn tăng 18%.

Cho vay phân khúc rủi ro cao, lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nên FE Credit có tỷ lệ nợ xấu cao, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cao. Trong khi đó, với quy mô tín dụng lớn, nợ xấu tuyệt đối của BIDV, VietinBank cũng là hệ quả tất yếu.

SHB là ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối lớn thứ tư với gần 9.500 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cuối năm ngoái. Trong đó, riêng nợ nhóm 4 tăng mạnh gần 3 lần và chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Ở nhóm ngân hàng còn lại, các ngân hàng có khối lượng nợ xấu tuyệt đối cao gồm: Vietcombank (hơn 6.694 tỷ đồng), VIB (5.332 tỷ đồng), Sacombank (5.281 tỷ đồng), MB (5.000 tỷ đồng)…

Tuy vậy, không phải ngân hàng nào tăng về quy mô nợ xấu tuyệt đối cũng có tình hình tài chính xấu đi. Chẳng hạn, tại Vietcombank, dù nợ xấu tuyệt đối tăng lên, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại thấp hơn cuối năm 2021 (chỉ chiếm 0,6%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục (trên 500%).

Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng chưa từng có, lên mức 279%. Tại VietinBank, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhưng tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm nhẹ và bao phủ nợ xấu tăng từ 171% cuối năm ngoái lên trên 200% cuối tháng 6/2022.

Rủi ro nợ xấu tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ song có tỷ lệ nợ xấu cao như NCB, Vietbank, BaoVietBank, VietcaptialBank, PGBank, ABBank… Ở nhóm ngân hàng tầm trung, SHB và VIB là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao đáng chú ý, chủ yếu do mở rộng quy mô cho vay.

Lợi nhuận tăng mạnh, nhưng nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn cũng có dấu hiệu tăng cao ở hầu hết ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn
Lợi nhuận tăng mạnh, nhưng nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn cũng có dấu hiệu tăng cao ở hầu hết ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Rủi ro hay “của để dành”?

Việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia phân tích.

Việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia phân tích. Ảnh hưởng của Covid-19 đang thể hiện dần vào báo cáo tài chính của các nhà băng. PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các quý tới, bức tranh nợ xấu sẽ rõ ràng hơn khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã chính thức hết hạn vào ngày 30/6.

Ảnh hưởng của việc dừng Thông tư 14/2021/TT-NHNN với nhiều ngân hàng không lớn bởi từ cuối năm 2021, nhiều ngân hàng đã hoàn tất trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu. Tuy vậy, một số ngân hàng nhỏ đầu năm nay vẫn chưa hoàn tất trích lập dự phòng và có thể phải gia tăng trích lập dự phòng trong quý tới.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia , việc dừng Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ khiến nhiều khoản nợ chuyển nhóm và nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng nửa cuối năm nay.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu tăng nhưng sức khỏe của hệ thống ngân hàng không đáng lo ngại, bởi những năm qua, NHNN đã hối thúc hệ thống ngân hàng tăng mạnh dự phòng rủi ro. Hiện tại, đa phần ngân hàng tầm trung trở lên đều đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, thậm chí nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 200%.

Việc tăng trích lập dự phòng không chỉ giúp ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro, mà còn là “của để dành” trong tương lai. Nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng những năm gần đây, có thể thấy, hàng năm, nguồn lợi nhuận khác mà mỗi ngân hàng thu về lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu là từ thu hồi nợ đã xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Có ngân hàng thu về 11.000 tỷ đồng/năm từ nợ xấu đã được xử lý. Có ngân hàng đảo chiều từ tăng trưởng âm thành dương nhờ được hoàn nhập dự phòng rủi ro.

Nói về lý do trích lập dự phòng rủi ro quá cao, lãnh đạo Vietcombank từng nhiều lần chia sẻ với cổ đông rằng, “cơm không ăn gạo còn đó”.

Trong khi đó, lý giải câu chuyện Vietcombank có 1 đồng nợ xấu nhưng lại dự phòng rủi ro lên tới hơn 5 đồng (bao phủ nợ xấu trên 500%), các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán BVSC cho rằng, tỷ lệ trích lập này cao hay thấp ở mỗi NHTM còn tùy thuộc khẩu vị và quan điểm của mỗi ngân hàng.

“Theo thời gian, bên cạnh việc xử lý nợ xấu, nợ bị ảnh hưởng Covid-19 cơ cấu lại dần hồi phục…, tiềm năng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận tại Vietcombank cũng là một điểm đáng chú ý”, các chuyên gia phân tích BVSC ngụ ý.

Nói cách khác, theo các chuyên gia, nợ xấu của các ngân hàng quy mô tuyệt đối lớn hay nhỏ không quan trọng bằng tỷ lệ cao hay thấp và đã được dự phòng rủi ro bao nhiêu phần trăm. Nếu tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép mà tỷ lệ bao phủ cao, thì nợ xấu lại chính là “của để dành” với nhiều ngân hàng.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục