Và nếu trích hết khung pháp luật cho phép, thì nợ xấu của Vietcombank chỉ còn dưới 1%, “mức chẳng ai tin” trong hoạt động ngân hàng không chỉ tại Việt Nam mà còn cả ở khu vực.
Nợ xấu và cách xử lý lý nợ xấu trong ngành ngân hàng có nhiều quy định mà mỗi ngân hàng phải tuân thủ. Bởi đơn giản, nếu dùng hết trích lập mà xử lý nợ xấu thì có vẻ “nhàn quá”, bảng cân đối kế toán của ngân hàng luôn sạch và nợ không thu hồi được, nói theo cách dân dã là “bỏ đi”, không cần đòi nữa. Lợi nhuận sẽ giảm, quyền lợi cổ đông bị thiệt và hoạt động ngân hàng không thực chất.
Vì vậy, cách mà Vietcombank đang làm được hiểu rằng, trong mọi tình huống ngân hàng này đã có số dự phòng rất lớn để khỏi lo ảnh hưởng tới hoạt động khác, và đồng thời Ngân hàng cũng đang truy đòi lại số nợ xấu chưa trả từ khách vay. Cách nói của ông Thành, có thể coi như một thông điệp “chuyện nợ xấu của Vietcombank đã thành quá khứ”.
Đó là câu chuyện của Vietcombank, ngân hàng năm nay dự kiến phá kỷ lục về lợi nhuận, với mức đạt lần đầu tiên có thể là 5 chữ số (trên 10.000 tỷ đồng). Sang năm 2018, ngân hàng này kỷ niệm 55 năm thành lập, và sự “thịnh vượng” cho phép họ trích lập quỹ dự phòng thuộc loại "khủng" nhất trong khối ngân hàng.
Câu chuyện của Vietcombank cũng đang diễn ra tại một số ngân hàng khác, dù chưa công bố một cách mạnh bạo, nhưng những động thái mua lại nợ xấu từ VAMC hay lời khẳng định về tình hình tài chính “đã cơ bản lành mạnh” đang cho thấy điều này. Những cái tên có thể nhắc tới là MB, ACB, VPBank, Techcombank,…
Nhưng tất cả mới chỉ là nửa bức tranh, vẫn còn nhiều ngân hàng phải tận dụng năm 2017 khả quan để tăng thêm quỹ dự phòng, ráo riết thu hồi nợ xấu để có thể trở lại bình thường.
Trong một báo cáo mới nhất về tình hình ngân hàng, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết, phần lớn nợ xấu tập trung đang ở các ngân hàng nhỏ và đều được đảm bảo bởi các tài sản bất động sản. Ước tính, hiện vẫn còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu của toàn ngành ngân hàng chưa được xử lý, tương đương 6,1% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III/2017.
Số nợ không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành vào khoảng 240 - 280 nghìn tỷ đồng, tương đương 600% - 700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016.
Một vấn đề đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) phải trích lập dự phòng 100% của nhiều nhà băng vẫn trong tình trạng xấu và gia tăng trong 9 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2017.
Chẳng hạn, trong 3 nhóm nợ xấu của BIDV tính đến cuối tháng 9/2017, cả 3 đều tăng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của BIDV chiếm nhiều nhất với hơn 10.460 tỷ đồng. Tại Saigonbank, tính đến cuối tháng 9/2017 cho vay khách hàng đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%. Nhưng tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến cuối tháng 9/2017 đạt 368 tỷ đồng, chiếm 2,74% tổng dư nợ….
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời đã tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng trong quá trình phát mãi tài sản, xử lý và thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới có nhanh hay không còn phụ thuộc vào từng ngân hàng, bởi tùy từng khoản vay mà ngân hàng xét duyệt trước đó cũng như tài sản đảm bảo.
Hiện tại đã là tháng cuối cùng của năm 2017, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra những con số lạc quan về tình hình tăng trưởng tài sản, lợi nhuận ở mức vượt kế hoạch đề ra.
Đây sẽ là “thiên thời” để các ngân hàng tăng tốc xử lý nợ, chắc chắn sẽ có những khoản nợ xấu vĩnh viễn không đòi được vì doanh nghiệp phá sản, mất khả năng trả nợ và phải bù đắp bằng quỹ dự phòng. Tình hình kinh doanh khả quan, cho phép các ngân hàng làm điều đó.
Nhưng quan trọng hơn, các ngân hàng đang tăng tốc truy đòi nợ nhờ giải pháp bán tài sản của con nợ khi Nghị quyết 42 đã cho phép làm điều này, và rất có thể bằng giờ này sang năm, chuyện xử lý nợ xấu giai đoạn 2012-2015 sẽ chỉ còn trong sách như một bài học kinh nghiệm với ngành ngân hàng.