Nợ xấu chưa nhẹ gánh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ xấu vẫn là áp lực lớn, chưa kể các khoản nợ tái cơ cấu đến từ Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Nhiều ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng nợ xấu Nhiều ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng nợ xấu

Dồn dập thanh lý tài sản bảo đảm

Những ngày đầu năm 2021, PVcomBank liên tục thông báo xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng cho đến sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau Tết đến nay, PvcomBank tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khách hàng Huỳnh Văn Cung, Phạm Văn Công, Trương Thị Lan, Nguyễn Việt Bình, Nguyễn Quốc Khanh, Phạm Lê Anh Tú…

Tại NCB, ngân hàng này thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Quan Sơn, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Nam Nhân, Công ty Phú Sang, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tài Ý, Ngô Hồng Sơn…

Nhiều ngân hàng khác cũng dồn dập thông báo thanh lý tài sản bảo đảm của khách hàng, cả cá nhân và tổ chức, trong đó có những tài sản mới, nhưng cũng có không ít tài sản đảm bảo tồn đọng từ những đợt đấu giá trước đó.

Chẳng hạn, BIDV rao bán 32 căn hộ tại Chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM - tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty cổ phần Đức Khải. Đây là đợt phát mại lần thứ 5 đối với các căn hộ The Era Town.

VietinBank chi nhánh Ngô Quyền (Hà Nội) công bố bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền là tòa nhà 9 tầng tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cùng hơn 10 bất động sản và tài sản khác, nhằm thu hồi số tiền nợ gần 230 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt. Trước đó, VietinBank thông báo bán đấu giá lần thứ tư với 2 thửa đất ở quận Đống Đa và Tây Hồ để xử lý khoản nợ gần 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh.

Nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu

Diễn biến trên cho thấy, nợ xấu vẫn là câu chuyện nhức nhối, chưa kể đến các khoản nợ tái cơ cấu đến từ Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (các ngân hàng được phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không phải chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19).

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/12/2020, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỷ đồng.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 3% (cuối năm 2019 là 1,89%) và nợ xấu gộp khoảng 5% (cuối năm 2019 là 4,65%). Dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên 3,5 - 4% và nợ xấu gộp tăng lên 5,5 - 6%.

Ông Lực nhấn mạnh: “Trong tổng dư nợ hiện tại khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là hơn 4%. Đây sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021”.

Được biết, năm ngoái, nhiều ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, tiềm ẩn nợ xấu. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank được nâng lên 380% - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Tại VietinBank, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tăng từ 120% lên 130%. Với BIDV, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 88,4%, cao nhất trong 6 năm. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của MB ở mức cao nhất từ trước đến nay là 134%.

“Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng giúp ngân hàng nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn”, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê nói và cho hay, tăng cường chi phí dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2020 của SHB đạt mức 70%.

VAMC góp sức xử lý nợ

Trong năm 2020, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 14.649 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Tính đến cuối năm 2020, VAMC quản lý nợ xấu của 18 tổ chức tín dụng với trên 91.700 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Ông Đoàn Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc VAMC cho biết, Công ty đã xây dựng các nhóm giải pháp khác nhau nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, đối với nhóm giải pháp về mua, bán và xử lý nợ xấu, VAMC sẽ tăng cường tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại tổ chức tín dụng; làm việc với các tổ chức tín dụng và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để thực hiện mua khoản nợ theo giá trị thị trường.

Công ty tổ chức tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận danh mục, hồ sơ pháp lý các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm để giới thiệu và chào bán các khoản nợ/tài sản bảo đảm phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ; tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Đối với nhóm giải pháp tạo lập thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, Công ty sẽ triển khai thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản, tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn giao dịch nợ.

Bên cạnh đó, VAMC tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy hoạt động theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC và Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nội bộ; tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động ủy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục