Không trôi theo đại dịch
Tại buổi tọa buổi đàm trực tuyến nhằm trao đổi về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn diễn ra cuối tuần trước, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, dư nợ bị ảnh hưởng do đại dịch của Ngân hàng tính đến hiện tại được xác định theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03 là gần 200.000 tỷ đồng, tuy vậy, con số này chưa phản ánh đúng thực tế bởi những khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý. Doanh số giải ngân từ 10/6 đến 31/7/2021 khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ đến hạn trong 5 tháng cuối năm 2021 là gần 400.000 tỷ đồng nếu không được cơ cấu lại nợ theo Thông tư 03 (vì giải ngân sau ngày 10/6) thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chuyển nợ xấu, dự kiến khoảng 19.000 tỷ đồng.
“Dư nợ cơ cấu miễn giảm lãi theo Thông tư 03 đã chuyển thành nợ xấu khoảng 5.500 tỷ đồng. Dự kiến, dư nợ của khách hàng đã cơ cấu miễn giảm lãi nhưng không có khả năng trả nợ dẫn đến nợ xấu những tháng cuối năm rất lớn do tình hình chung. Bên cạnh đó, các ngành tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng như giao thông vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, bán buôn, bán lẻ… giải ngân sau ngày 10/6 và đến hạn trong năm 2021 không được cơ cấu, miễn giảm lãi theo Thông tư 03 có khả năng chuyển thành nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng. Agribank khó giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 2% như kế hoạch đề ra”, ông Vượng nói.
Lãnh đạo Agribank chia sẻ thêm câu chuyện liên quan đến xử lý nợ tại Ngân hàng trong đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay, đó là có những khách hàng có tiền nhưng không trả được nợ, bởi họ ở trong khu cách ly, phong toả.
Tương tự, bà Đỗ Thị Ngọc Sương, Giám đốc Phòng quản lý rủi ro tín dụng ACB cho hay, địa bàn hoạt động của Ngân hàng chủ yếu trong miền Nam nên ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nghiêm trọng. Đặc biệt, 2 tuần qua, việc thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn khi các thủ tục trong việc thu thập chứng từ chứng minh khách hàng bị ảnh hưởng do dịch hầu như không triển khai được.
“Đó là những câu chuyện có thật như khoản nợ của doanh nghiệp tôi đang làm hồ sơ cơ cấu thì dịch bùng phát, mọi việc tạm dừng lại. Ban đầu, tôi sốt ruột liên lạc với nhân viên Sacombank để tìm hướng giải quyết, sau rồi thì cũng buông, vì dịch bệnh bùng mạnh khiến tâm trí chỉ dồn vào làm thế nào để đảm bảo an toàn cho công nhân và gia đình”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp Đồng Nai chia sẻ.
Về hướng xử lý của các ngân hàng, ông Vượng cho biết, Agribank đã báo cáo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng liên quan đến những khách hàng trong thời gian phong toả, cách ly. Đồng thời, Ngân hàng chỉ đạo nhân viên hướng dẫn khách hàng làm đơn đề nghị trên cơ sở các phương tiện thông tin liên lạc hiện hữu về tình trạng bị cách ly, phong toả và xác nhận đồng ý cơ cấu không chuyển nợ xấu khoản nợ để làm căn cứ.
“Sau 30 ngày kể từ khi kết thúc giãn cách, phong toả, cách ly, Agribank sẽ cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ theo quy định hiện hành. Điều này để tránh khó khăn cho Ngân hàng về sau khi có cơ quan thanh tra, giám sát kiểm tra”, ông Vượng nói và cho biết thêm, “những khó khăn, vướng mắc hiện nay rất nóng, tuy nhiên, các ngân hàng chưa có hành lang pháp lý để xử lý”.
Với ACB, bà Sương cho biết, Ngân hàng đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để thực hiện.
Được biết, theo quy định tại Thông tư 03, điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng là khách hàng phải có đề nghị và được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và/hoặc không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang điều trị ở bệnh viện, hoặc đang bị cách ly (theo diện F1, F2), hay không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định về phòng chống dịch.
“Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng. Đây là những nguyên nhân mang tính khách quan và tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận xét.
Cần chốt chặn
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, Agribank dẫn đầu về dư nợ xấu tính đến 30/6/2021, với gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020 (theo báo cáo tài chính riêng lẻ). BIDV có nợ xấu giảm sau 6 tháng đầu năm 2021, nhưng với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng, ngân hàng này đứng thứ hai về dư nợ xấu.
Toàn hệ thống ngân hàng hiện có khoảng 425.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 42,27% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Tại VietinBank, nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021 tăng 52% so với đầu năm, ghi nhận gần 14.500 tỷ đồng, đứng thứ ba về quy mô nợ xấu. Vị trí thứ tư là Vietcombank khi nợ xấu tăng 31%, lên gần 6.865 tỷ đồng.
Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank dẫn đầu về quy mô nợ xấu với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%), trong đó, nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%. Quy mô nợ xấu tại SHB là gần 6.700 tỷ đồng, Sacombank là hơn 5.600, VIB là trên 3.100 tỷ đồng…
Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng số dư nợ xấu tính đến 30/6/2021 là gần 124.898 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Con số nợ xấu trong quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ tư có thể khiến tình hình nợ xấu tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng”.
Ngân hàng Nhà nước dự báo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống chiếm khoảng 2 - 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 4 - 4,5%. Đây là một trong những lý do khiến cơ quan này đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực.
“Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm - sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn, giúp ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 42,27% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết 42.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng lo ngại, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
“Cần sớm luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 được quy định trong luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại luật này với các luật chuyên ngành khác khi luật này được ưu tiên áp dụng”, TS. Hiếu nói.