Báo cáo Giám sát Nợ Toàn cầu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) được công bố hôm thứ Năm (22/2) cho thấy, nợ toàn cầu đã tăng thêm 15.000 tỷ USD vào năm 2023, có nghĩa là nợ đã tăng hơn 100.000 tỷ USD trong thập kỷ qua.
Chỉ riêng nợ chính phủ đã lên tới 89.900 tỷ USD, tăng từ mức 71.000 tỷ USD vào trước đại dịch và dưới 33.000 tỷ USD trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các nơi trên thế giới có nghĩa là chi phí trả các khoản nợ này đang tăng lên một cách đáng kể.
Jan Friederich, người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Fitch Ratings cho biết, chi phí đi vay cao hơn đánh dấu “một sự thay đổi khá đáng kể từ môi trường… lãi suất cực thấp sang lãi suất cao hơn nhiều hiện nay”.
Phát biểu tại sự kiện công bố giám sát nợ toàn cầu của IIF ông Jan Friederich cho biết, chi tiêu lãi vay trung bình so với doanh thu đang có xu hướng tăng đáng kể, đặc biệt đối với các chính phủ vay nợ nặng nề ở các nước giàu.
Đối với các chính phủ ở Tây Âu và Bắc Mỹ, các khoản thanh toán lãi đang trên đà tăng từ 3,2% nguồn thu trong năm ngoái lên 4,1% vào năm 2025.
Việc vay nợ tăng vọt thậm chí còn gây ra sự lo lắng ở Mỹ, khi nợ quốc gia đạt mức kỷ lục 34.000 tỷ USD vào tháng 1.
Mỹ trước đây đã tránh những lo ngại về việc vay nợ bởi vị thế của đồng đô la là đồng tiền dự trữ toàn cầu, có nghĩa là luôn có người mua trái phiếu của nước này.
IIF cho biết, thiệt hại sẽ gia tăng khi lãi suất được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn, mặc dù nền kinh tế nói chung đã xử lý tác động một cách khá tốt.
“Mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng và chi phí lãi vay tăng cao, nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ khả năng phục hồi trước sự biến động của chi phí đi vay”, theo IIF.
Thị trường tài chính hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất khi lạm phát đã hạ nhiệt.
"Nhưng nếu giá tăng trở lại, cho dù căng thẳng thương mại leo thang, thúc đẩy tăng trưởng từ việc áp dụng công nghệ AI, mối lo ngại ngày càng tăng về kỷ luật ngân sách, giá năng lượng cao hơn trong bối cảnh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang đẩy nhanh”, IIF lo ngại điều đó sẽ xảy ra. Kết quả là lãi suất sẽ duy trì ở mức cao, tác động tiêu cực đến triển vọng của thị trường nợ toàn cầu thông qua chi phí đi vay cao hơn.
Đó không phải là rủi ro duy nhất. IIF cho rằng: “Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi thường xuyên và đột ngột hơn trong tâm lý rủi ro toàn cầu. Bất kỳ sự leo thang nào của những rủi ro này đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương về nợ”.
Lạm phát gia tăng và mức độ tăng trưởng kinh tế đã ăn mòn quy mô của nợ so với GDP. Kết quả là nợ giảm xuống mức tương đương chỉ dưới 330% GDP toàn cầu, giảm so với mức đỉnh hơn 360% vào năm 2021.
Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP giảm trên toàn cầu, nhưng điều này là do các nước giàu thúc đẩy ngay cả khi gánh nặng nợ tăng lên ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, dẫn đầu là các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Argentina.
Nợ chính phủ của Trung Quốc đã tăng tương đương 25% GDP kể từ khi Covid xảy ra, nợ hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang tiến gần đến mức vay của các nền kinh tế giàu có ngay cả khi nước này vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng chậm lại - do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và dân số sụt giảm - làm tăng nguy cơ gánh nặng nợ nần trở thành mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng.